1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Ngược đời" 1kg tôm chuyển từ Nam ra Bắc "đắt" hơn Ecuador về Việt Nam

(Dân trí) - Nhấn mạnh chi phí logistics tại Việt Nam cao và thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn chứng: Vận chuyển 1 kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1 kg tôm từ Ecuador (châu Mỹ) về Việt Nam.

Ngày 23/11, tại Đà Nẵng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Nâng cao giá trị nông sản”.

Ngược đời 1kg tôm chuyển từ Nam ra Bắc đắt hơn Ecuador về Việt Nam - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tạ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho logistics. Tuy nhiên, đặc thù của ngành logistics của Việt Nam là chi phí cao.

"Một kg thanh long xuất khẩu qua Hoa Kỳ bằng đường hàng không chưa tính phí chiếu xạ mất khoảng 3,5 USD, nếu giá bán 7 USD thì chi phí cho logistics chiếm 50% rồi" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói.

Theo lãnh đạo Chính phủ, đặc thù của hàng nông sản chủ yếu hiện nay là trọng lượng rất to, cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích và trọng lượng nhưng mà giá trị nhỏ.

"Một xe chở dưa hấu từ Quảng Nam, Bình Định ra cửa khẩu Tân Thanh để qua Trung Quốc chẳng được bao nhiêu tiền. Trong khi một chiếc smartphone bé tí tẹo thì gấp bao nhiêu lần hàng nông sản." - Phó Thủ tướng lấy ví dụ và cho rằng càng đầu tư nhiều về logistics thì càng làm lợi cho người nông dân, vừa là kinh doanh nhưng cũng vừa là nhiệm vụ chính trị.

Ngược đời 1kg tôm chuyển từ Nam ra Bắc đắt hơn Ecuador về Việt Nam - 2

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đà Nẵng

Cũng tại Diễn đàn, câu chuyện chi phí logistics được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa dẫn chứng việc vận chuyển 1 kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1 kg tôm từ Ecuador (châu Mỹ) về Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt còn yếu; tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin hạn chế. 

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ngành dịch vụ logistics tiếp tục tốc độ tăng trưởng của các năm trước với mức độ tăng khoảng 13 - 15%/năm nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng, đặc biệt cùng với sự quan tâm phát triển dịch vụ logistics của các cấp từ Chính phủ đến các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm