Lương ngành logistics hàng nghìn USD mỗi tháng vẫn khó tuyển người
Dù ngành dịch vụ logistics đang tăng trưởng nóng với tốc độ nhanh, thế nhưng bài toán nguồn nhân lực luôn là vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp dù lương nhân sự lĩnh vực này khá cao.
Ngày 16/5, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam 2019.
Bà Trần Thị Hạnh, giám đốc nhân sự công ty TNHH Mai Hân cho biết, gặp rất nhiều khó khăn khi muốn phát triển nguồn nhân lực: “Khó khăn lớn nhất là lao động trong ngành dịch vụ logistics rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Hầu hết chúng tôi khi tuyển người đều phải đào tạo lại rồi mới sử dụng. Điều này rất tốn kém về chi phí và thời gian của doanh nghiệp”.
Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ở Q.3 than thở, lương công ty vị này trả cho một công nhân điều khiển xe nâng là 12 triệu đồng/tháng, thế nhưng tìm “đỏ mắt” vẫn không có người làm.
Thực tế, nhu cầu lớn về nhân lực logistics đã được dự báo từ trước, nhưng vẫn không thoat khỏi tình trạng “cầu nhiều, cung ít”.
Theo VLA, giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh.
Đến năm 2039, con số sẽ là 2 triệu lao động từ cao cấp đến phổ thông, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nước ta hiện nay có 3 hình thức đào tạo logistics: Tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, hiệp hội và DN. Có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.
Ở góc độ kinh tế, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, ngành logistics đang phát triển nóng và rất tốt, tốc độ phát triển hàng năm trên 10%. Hiện nay logistics đang đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5%, Chính phủ đã giao nhiệm vụ 2020-2030, logictics phải đóng góp 10%, gần tiệm cận với ngành du lịch.
Bên cãnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khuyên người dân Mỹ mua hàng của Việt Nam nhiều hơn.
Điều đó giúp cho kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng lên vì dịch vụ logistics gắn liền với công tác xuất nhập khẩu. Do vậy đây sẽ là cơ hội lớn của ngành logistics phát triển và không gặp bất cứ khó khăn gì.
Hiện nay rất thiếu nguồn nhân lực, có đến 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực logictics, từ các nhân sự quản lý cấp cao đến lao động phổ thông.
Kỳ vọng trong thời gian tới, khi đã có sự liên kết, “bắt tay” giữa các doanh nghiệp và trường học để đào tạo nguồn nhân lực logistics, thì sẽ phần nào giải quyết được bài toán “khát” nhân lực này” - ông Hiệp chia sẻ.
Được biết, cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp ngành logistics rất nhiều. Một nhân viên ra trường thường được nhận lương khởi điểm khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhân viên làm ở vị trí không phải quản lý là 12 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, một vị trí quản lý có thể có thu nhập lên đến vài ngàn USD/tháng.
Theo Uyên Phương/Tienphong.vn