Ngừng trả nợ ngân sách 1.000 đồng/lít xăng

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho biết: Ngân sách Nhà nước đã thu đủ số tiền tạm ứng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để tự xử lý số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng. Do đó, từ ngày 15/12, các doanh nghiệp ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng.

Hôm qua 15/12, thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền tự quyết điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo Nghị định 84, giá xăng đã giảm 350 đồng/lít còn giá dầu diezel tăng 300 đồng/lít.
 
Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 17623/BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và cho biết: “Đến nay, ngân sách Nhà nước đã thu đủ số tiền tạm ứng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để tự xử lý số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng. Do đó, kể từ ngày 15/12/2009 các doanh nghiệp ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng”.
 
Liên quan tới cơ chế kinh doanh xăng dầu mới, ngày 11/12, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 3130/QĐ-BTC về việc thành lập Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu. Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu (gọi tắt là Tổ giám sát liên ngành) có chức năng giám sát việc điều chỉnh giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và tham mưu cho Lãnh đạo Liên Bộ Tài chính - Công Thương quản lý, điều hành giá xăng dầu theo quy định của pháp luật.
 
Trường hợp các yếu tố cấu thành giá biến động làm cho giá cơ sở tăng (hoặc giảm) trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán lẻ hiện hành hoặc điều chỉnh giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Tổ Giám sát phải kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá để lãnh đạo Liên Bộ (Tài chính, Công Thương) xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 234 /2009/TT-BTC Hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
 
Trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 7%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi ≤7% cộng thêm 60% của mức chênh lệch giá, tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 7%) đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt 7% đến mười hai phần trăm (≤ 12%). 40% còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá…
 
An Hạ