Ngỡ ngàng con số "lộc phát" của VN-Index, tiền lại vào chứng khoán dồn dập
(Dân trí) - Một sự trùng hợp rất thú vị là kể từ phiên 26/2 tới nay, VN-Index thường đóng cửa tại hai vùng 1.168 điểm và 1.186 điểm. Dòng tiền vẫn đang hỗ trợ tích cực cho chỉ số bất chấp rung lắc dữ dội.
Giới đầu tư chứng khoán trong phiên giao dịch sáng nay được một phen "hú vía". Ngay khi thị trường mở cửa, VN-Index chịu áp lực chốt lời, lao thẳng xuống vùng 1.152 điểm, xuyên thủng các ngưỡng quan trọng là 1.160 và 1.155 điểm.
Sau khi chỉ số thủng ngưỡng 1.155 điểm, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại bởi thị trường vừa qua liên tục đi ngang. Cổ phiếu trụ bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra liên tục và mặt bằng lãi suất ngân hàng có dấu hiệu tăng. Những tín hiệu này không mấy tốt đẹp cho chứng khoán.
Tuy nhiên, quan sát có thể thấy ngưỡng 1.155 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh với chỉ số chính. Đến hết phiên sáng, VN-Index đã thu hẹp đà giảm, chỉ còn mất 5,49 điểm tương ứng 0,47% về còn 1.162,78 điểm.
Tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán tìm cơ hội. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VPS, đến hết phiên giao dịch buổi sáng 9/3, dự tính khối lượng khớp lệnh trên HSX vượt 37% khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên.
Cụ thể, trên HSX, chỉ trong buổi sáng nay đã có 11.472,87 tỷ đồng đổ vào giải ngân mua cổ phiếu; khối lượng giao dịch đạt 505,06 triệu đơn vị. HNX có 98,84 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.369,37 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 62,65 triệu cổ phiếu tương ứng 953,41 tỷ đồng.
Rõ ràng, trong mắt của giới đầu tư trong nước, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư mang lại nguồn lợi đáng kể so với những kênh đầu tư khác.
Việc VN-Index giảm mạnh trong sáng nay có thể do áp lực chốt lời của nhà đầu tư khi hàng T+3 của phiên 4/3 đã về tới tài khoản. Bởi với việc mua được cổ phiếu giá rẻ ở phiên 4/3 (VN-Index đóng cửa mất 18,43 điểm), nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lãi để hiện thực hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, áp lực chỉ số chủ yếu đến từ tình trạng giảm tại các mã trụ như VNM, VIC, GAS, VCB, BID… Ngược lại, những cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa lại tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm bất động sản, xây dựng. Sáng nay CTD, APC, DRH, NHA, PTL, SGR, TNT, VPG, CIG… tăng trần đồng loạt.
Trong khi VN30-Index giảm thì chỉ số VNMID-Index trên HSX của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng 3,85 điểm tương ứng 0,27%, VNSML-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 7,09 điểm tương ứng 0,58%.
Về biến động trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua, một sự trùng hợp rất thú vị là kể từ phiên 26/2 tới nay, VN-Index thường đóng cửa tại hai vùng 1.168 điểm và 1.186 điểm. Do vậy, sau khi thị trường có dấu hiệu phục hồi từ cú "sốc" đầu phiên, nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ quay lại vùng tham chiếu hoặc tăng mạnh phiên chiều lên 1.186 điểm.
Về triển vọng thị trường ở giai đoạn hiện tại, Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa. Điểm tiêu cực là tâm lý tỏ ra thận trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho nên thị trường chưa thể vượt được mức kháng cự 1.200 điểm của VN-Index.
Đồng thời, YSVN cho rằng, sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục còn diễn ra trong những phiên kế tiếp. Ngoài ra, YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp ở giai đoạn hiện tại là nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.