Nghiện mua sắm, phụ nữ Việt đã bị "móc túi" ra sao?

(Dân trí) - Phụ nữ thật lạ, họ có thể mua những đôi giầy na ná nhau, túi xách na ná nhau và quần áo cũng tương tự như vậy. Thế nhưng, họ vẫn luôn nói chúng khác nhau và cho rằng mình chưa có..!

Khách hàng nữ rất dễ xao lòng trước các chương trình giảm giá
Khách hàng nữ rất dễ "xao lòng" trước các chương trình giảm giá

Mua hàng giảm giá, cảm giác thấy...lời!

"Phụ nữ thật lạ, họ có thể mua những đôi giầy na ná nhau, túi xách na ná nhau và quần áo cũng tương tự như vậy. Thế nhưng, họ vẫn luôn nói chúng khác nhau và mình chưa có..!" - anh Phan Thành than thở vào một chiều cuối năm khi đang chờ vợ mua sắm tại một cửa hiệu thời trang trên đường Bà Triệu.

Anh Thành cho biết, vợ anh thường xuyên theo dõi các chương trình giảm giá, bất kể là trên các trang mua sắm trực tuyến hay thông qua những biển hiệu "sale off" chăng đỏ trên các tuyến đường cuối năm.

"Cô ấy thường mua rất nhiều và nhất là trong mùa giảm giá. Vợ tôi lý luận rằng, nếu chiếc váy 1 triệu được giảm 20%, nghĩa là cô ấy đã tiết kiệm được 200 nghìn đồng, còn nếu chiếc váy đó được giảm tới 70% thì kể cả mua 2 chiếc với 2 màu khác nhau thì cũng đã... lời được 800 nghìn đồng rồi" - anh Thành vui vẻ kể.

Với hầu hết phụ nữ, "sale off", "giảm giá", "khuyến mại" luôn là những từ nhạy cảm và đầy quyến rũ. Chị Mai Anh (31 tuổi, nhân viên văn phòng tại một công ty trên đường Xã Đàn) cho biết, cũng như hầu hết các chị em khác, chị cũng "nghiện" mua sắm.

Chị thú nhận, mỗi lần đi ngang qua những cửa hiệu chăng biển giảm giá hoặc mỗi dịp diễn ra các chương trình giảm giá lớn như Thứ sáu Đen (Black Friday) chị lại không thể kiềm chế được việc dành hàng giờ liền tham khảo, tìm tòi.

"Vì cứ nghĩ mua được hàng giảm giá lại là những mặt hàng, mẫu mã mình thích nên đã không sắm thì thôi, còn mỗi lần sắm cũng dễ "vung tay quá trán" lắm. Như hôm vừa rồi mua loạt đồ diện Tết cho cả nhà cũng hết mười mấy triệu đồng! Mình thanh toán bằng thẻ tín dụng nữa, nên nhiều lúc không để ý, phải khi trả nợ tiêu dùng thì mới thấy đau lòng thôi" - chị Mai Anh kể.

Tuy nhiên, người phụ nữ hơn 30 tuổi này cũng cho biết, có rất nhiều mặt hàng mua về vào các dịp giảm giá không được dùng đến thường xuyên. Tủ quần áo, giày dép, túi xách... càng ngày càng đầy, nên sau mỗi một mùa lại phải thanh lý toàn bộ. Trên mạng xã hội Facebook, chị Mai Anh có khá nhiều album thanh lý đồ áo, phụ kiện, nói là cũ nhưng có những thứ chưa từng được sử dụng lần thứ hai!

Tâm lý người mua hàng rất thích được tặng
Tâm lý người mua hàng rất thích được "tặng"

Nghìn lẻ một "chiêu" kéo khách

Vừa mới ra trường và đi làm nhưng cô nhân viên PR Như Quỳnh đã có một số vốn kha khá nhờ kinh doanh trực tuyến (online) "tay trái" cùng bạn. Quỳnh cho biết, kể từ khi buôn bán giày dép, việc mua sắm vật dụng cá nhân của cô cũng trở nên tiết giảm hơn.

"Trước khi kinh doanh, em không có nhiều tiền nhưng mua thì lại nhiều hơn bây giờ. Đồ lúc đó mua rẻ thôi, nhưng lãng phí. Bây giờ, em mua ít nhưng mua đúng những thứ mình cần, không nhiều hơn cũng không ít hơn, tất nhiên mua được rẻ cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là chất lượng và mẫu mã phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân" - cô gái 24 tuổi chia sẻ.

Theo đó, Quỳnh cho biết, biên độ lợi nhuận ở mặt hàng này khá cao. Một đôi giày niêm yết giá 200-300 nghìn đồng chỉ được nhập giá chưa tới nửa (tức lời hơn gấp đôi). Tuy nhiên, vào mùa "sale", cô sẽ lựa ra những mẫu mã cũ và tùy vào xu hướng để chiết khấu cho khách từ 20%-50%, có nghĩa là trên thực tế cô vẫn có lời hơn 50% mỗi sản phẩm. Điều đáng nói là những mẫu được giảm giá mạnh nhất sẽ được mua nhiều nhất mặc dù mẫu mã kém hơn và thậm chí có thể bị lỗi, một số khách hàng mua tới 2-3 sản phẩm để hưởng khuyến mại.

Trong khi đó, chị Hạnh, kinh doanh thời trang đã lâu năm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tâm lý của khách hàng luôn thích được "thưởng" hoặc "cho không", thế nên chủ hàng cũng khéo chiều bằng cách sử dụng lời chèo kéo "mua 1 tặng 1".

"Chiếc áo dạ này bình thường tôi bán 2 triệu đồng, nhưng bây giờ bán 2,3 triệu đồng tặng kèm 1 khăn lụa cao cấp giá 300 nghìn đồng, tôi không mất gì nhưng khách hàng cảm thấy được lợi. Hoặc như áo phông này mùa hè khó bán, bây giờ tôi tặng kèm khách mua đồ mùa đông và cũng chỉ tăng giá thêm 10-20 nghìn đồng, nhưng có rất nhiều người thích như vậy. Kinh nghiệm là bán hàng đính sản phẩm đi kèm. Đôi khi khách họ mua chiếc áo dạ 2 triệu chỉ vì muốn có được chiếc khăn 300 nghìn", chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hạnh cũng cho biết thêm, một "tiểu xảo" mà hầu hết các cửa hàng thời trang đều sử dụng hiện nay là chăng biển "giảm giá tới" 50%, thậm chí là 70%, hoặc "giá chỉ từ" 100 nghìn đồng v.v...

Người tiêu dùng sẽ bị mê hoặc, cuốn hút bởi những con số, biên độ giảm mà không chú ý đến yếu tố quan trọng khác là cửa hàng đã quy ước từ trước về một mức trần, mức sàn. Thế nên mới có chuyện nhiều người "ngã ngửa" vì vào cửa hàng thông báo giảm giá tới 70% nhưng thực tế, sản phẩm giảm 70% rất ít và mẫu mã rất tệ, còn lại các sản phẩm khác chỉ giảm 10%, thậm chí bán giá niêm yết.

Đây được cho biết là cách mà các cửa hàng "xả" được hàng tồn từ các năm trước và lôi kéo được khách hàng vào tham khảo sản phẩm. Chỉ cần khách vào cửa hàng, nếu không mua được những sản phẩm giảm giá mạnh như quảng cáo thì vẫn có thể ưng ý sản phẩm khác đắt hơn và sẵn sàng chi tiền - và như vậy là những tấm biển quảng cáo rất "kêu" đặt ngoài cửa hàng đã làm tròn nhiệm vụ!

Bạn có tin là người bán hàng sẽ xuất giá lỗ?
Bạn có tin là người bán hàng sẽ xuất giá lỗ?
Nghiện mua sắm, phụ nữ Việt đã bị "móc túi" ra sao? - 4
Nghiện mua sắm, phụ nữ Việt đã bị "móc túi" ra sao? - 5

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá bán 35 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng ở biển quảng cáo phía trên chỉ dành cho những sản phẩm cũ và bị lỗi được chủ hàng đặt trên tấm bạt

Rất khó tìm được những sản phẩm có giá 99.000 đồng tại cửa hàng treo biển quảng cáo này
Rất khó tìm được những sản phẩm có giá 99.000 đồng tại cửa hàng treo biển quảng cáo này

Bích Diệp