1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch lý: Vốn vào địa ốc tăng chóng mặt, giá nhà vẫn ngất ngưởng

(Dân trí) - Số vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh chóng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước cũng tăng mạnh nhưng điều khá lạ là lượng cung nhà ở trong quý III/2016 giảm khá mạnh. Về giá bán, giá nhà tại hai thành phố chính là Hà Nội vẫn cao, xu hướng tăng giá đã xuất hiện trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bất động sản là ngành thu hút vốn ngoại đầu tư lớn trong 11 tháng qua. Tổng vốn vào bất động sản hiện đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số ngành có dự án hút vốn ngoại nhiều nhất. Cùng với đó, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới trong ngành này tiếp tục gia tăng mạnh với 95% so với cùng kỳ, số vốn cũng tăng mạnh 221%.


Khan hiếm nhà giá rẻ, giá căn hộ hiện tại ở hai thị trường bất động sản lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM vẫn rất cao (ảnh minh họa)

Khan hiếm nhà giá rẻ, giá căn hộ hiện tại ở hai thị trường bất động sản lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM vẫn rất cao (ảnh minh họa)

Thị trường kỳ vọng với lượng vốn ngoại đổ vào lớn, sự tham gia của nhiều DN cung ứng dự án, bán hàng sẽ góp phần làm tăng nguồn cung thị trường và giảm giá nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này hiện đang hoàn toàn trái ngược.

Theo nhiều báo cáo phân tích về thị trường bất động sản (BĐS) của Hiệp hội BĐS Việt Nam, của Savills hay CBRE hay của JLL, trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016, nguồn cung thị trường BĐS cả nước hiện đã giảm so với quý I và quý II/2016.

Cụ thể, theo báo cáo thị trường BĐS của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quý III/2016 nguồn cung căn hộ tại hai thị trường lớn giảm mạnh. Theo đó, lượng cung nhà ở tại TP.HCM giảm 38%, trong khi đó, Hà Nội cũng chỉ tăng hơn 4% so với quý trước đó.

Trong đó, phân khúc nhà ở giá trung bình và nhà giá rẻ vốn được tiêu thụ mạnh lại ghi nhận lượng cung vào thị trường giảm mạnh trong 3 tháng qua. Xu hướng nhà đầu tư đang chuyển mạnh vốn, dự án vào phân khúc nhà ở thương mại, cao cấp khiến nguồn cung thời gian ngắn và trong tương lai sẽ giảm và tất yếu giá nhà ở có xu hướng bị đẩy lên cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bị chi phối giá cả bởi phần lớn ở căn hộ thương mại, cao cấp.

Cũng theo nghiên cứu của Savills, TP.Hà Nội đang thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, số lượng giao dịch thành công nhà giá dưới 20 triệu đồng/m2 đang ít dần đi bởi các nhà đầu tư chủ yếu hướng vào các dự án căn hộ cao cấp, trung cấp.

Nhận định của hãng này, đến cuối năm Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 13.000 căn hộ nhưng chủ yếu là ở phân khúc trung cấp, cao cấp có giá bán từ 25 đến 27 triệu đồng/m2. Trong khi đó, số lượng căn hộ có giá bán từ 15 - 17 triệu đồng/m2 không nhiều, chủ yếu tập trung tại các quận, huyện xa trung tâm như Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Hoài Đức...

Cũng theo nghiên cứu của Savills, giá bán nhà tại Hà Nội đang ở mức 27,6 triệu đồng/m2, đây vẫn là mức cao so với mức giá nhà bình quân các năm qua.

Còn theo hãng CBRE, quý III/2016 xu hướng mua nhà ở có tăng song lượng giao dịch thành công thực tế đã giảm do tác động từ nhiều chính sách vay vốn nhà ở. Giảm mạnh nhất là nhà ở thu nhập thấp, giá trung bình, trong khi đó, trên thị trường chủ yếu xuất hiện tỷ lệ giao dịch thành công ở căn hộ thương mại hạng A - B có giá cao từ 30 - 40 triệu đồng/m2 trở lên.

Trao đổi với Dân Trí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: "Thực tế các DN đi xin dự án đa phần muốn thực hiện nhà cao cấp, trung cấp và có mác thương mại để bán được hàng. Số dự án trung bình từ 1 - 1,5 tỷ đồng tại TP.HCM trong 2 quý II, III và thậm chí cả quý IV/2016 sẽ rất ít. Dự báo, năm 2017, các dự án nhà giá rẻ sẽ càng ít đi, bất chấp nhu cầu nhà phân khúc này hiện đang lớn nhất thị trường".

Theo ông Châu, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là quỹ đất cho nhà ở giá rẻ đã ít nay càng hạn hẹp. Quy định nhà giá rẻ phải xây số thấp tầng theo quy định, phải xây xa trung tâm đã vô tình khiến nhiều chủ đầu tư chùn bước vì điều đó đồng nghĩa họ bị giảm lợi nhuận.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm