1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nghịch lý: Thực phẩm bẩn hoành hành, rau thịt sạch vẫn “bí” đầu ra

(Dân trí) - Trong khi những thông tin về thực phẩm bẩn liên tiếp được đưa ra, thì tại nhiều nơi vẫn tồn tại một nghịch lý là nguồn nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn "bí" đầu ra do không tìm được thị trường tiêu thụ.


Tại nhiều nơi, nguồn nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn bí đầu ra do không tìm được thị trường tiêu thụ.

Tại nhiều nơi, nguồn nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn "bí" đầu ra do không tìm được thị trường tiêu thụ.

Một năm có 5.000 người ngộ độc thực phẩm

An toàn thực phẩm là một vấn đề quan trọng không chỉ với lĩnh vực nông nghiệp mà còn với cả cộng đồng. Theo báo cáo của Nhóm công tác nông nghiệp - Diễn đàn doanh nghiệp 2015 (VBF), trong năm 2014, cả nước có 5.000 ca ngộ độc thực phẩm. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng số ca ngộ độc thực phẩm được báo cáo là 129 ca với 3.436 bệnh nhân và 20 trường hợp tử vong.

Số liệu công bố trước đó từ Cục An toàn Thực phẩm cho biết,  riêng trong tháng 9, Cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 675 triệu đồng; thu hồi 11 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho thấy, có tới 16% các mẫu thịt được kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc, 7,6% mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Trong 20 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm có tới 80% doanh nghiệp có sử dụng chất cấm là chất tạo màu vàng ô và chất Salbutamol vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chất lượng nông sản cũng phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm đầu vào nông nghiệp bao gồm thuốc trừ sâu và phân bón. Một báo cáo gần đây của các chuyên gia đã chỉ ra rằng 50% phân bón không đạt chuẩn hoặc thậm chí bị làm giả. Số lượng sản phẩm bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu giả mạo và bất hợp pháp cũng đang tăng lên, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân và nền nông nghiệp, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng.

Theo ông David Whitehead - Trưởng nhóm công tác nông nghiệp VBF, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ gây bệnh cho con người mà còn hạn chế khả năng xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm Việt.

Đại diện nhóm các chuyên gia nước ngoài này cho rằng, nguyên nhân gây nên mức độ dư lượng cao có thể do những thành phần giả mạo và bất hợp pháp hoặc nguyên liệu thô, việc này sẽ đe dọa tới danh tiếng của các sản phẩm Việt Nam, và cũng có thể gây nguy hiểm với sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng.

"Đôi khi chúng cũng bao gồm những sản phẩm đã bị cấm từ lâu ở các quốc gia khác, nhưng vẫn chưa bị cấm và được sử dụng tại Việt Nam; do thiếu quy định rõ ràng, hoặc thiếu các biện pháp cưỡng chế”, ông David Whitehead đánh giá.

Lợn Mường, gà Ri vẫn “bí” đầu ra, rau sạch đổ cho bò ăn

Trong khi những thông tin về thực phẩm bẩn liên tiếp được đưa ra, vẫn tồn tại một nghịch lý là tại nhiều nơi, nguồn nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn "bí" đầu ra do không tìm được thị trường tiêu thụ.

Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nông dân Việt Nam phát triển sản phẩm hữu cơ - cho biết, hiện tại như các sản phẩm được tổ chức này hỗ trợ phát triển tại huyện Tân Lạc (Hoà Bình) bao gồm rau sạch, gà ri hay lợn Mường hữu cơ đều gặp khó khăn ở khâu đầu ra. Trong đó, thậm chí có nhiều sản phẩm không bán được từ sau Tết năm ngoái, nhiều loại không được các doanh nghiệp thu mua thường xuyên.

Trước đó, truyền thông liên tiếp đưa tin về việc, hàng chục hộ dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc (Quảng Nam) đang khốn khó vì giá thu mua quá rẻ trong khi phải bỏ công chăm bón mấy tháng. Giá bán quá rẻ, nên người dân còn không muốn cắt rau để bán, chỉ cắt về cho bò ăn, nhiều hộ đã bỏ hoang đất hoặc chuyển trồng những loại cây khác được giá hơn.

Theo giới chuyên gia trong ngành, một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm sạch vẫn “bí” đầu ra trong khi người tiêu dùng “đỏ mắt” không tìm được nguồn đảm bảo là do chưa có sự phối hợp giữa 4 nhà, bao gồm Nhà nước - nhà khoa học - người nông dân và doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân từng nhấn mạnh về sự quan trọng của chuỗi liên kết 4 nhà, trong đó đặc biệt lưu ý Nhà nước cần phải lo tổng quát để có chính sách hỗ trợ sản xuất và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

Một vị chuyên gia tại Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp cho rằng: “Câu chuyện này đã diễn ra từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới thấy và cũng không phải chỉ diễn ra tại một hai địa phương. Vấn đề ở đây là thiếu liên kết chuỗi, người nông dân chỉ biết sản xuất trong khi thiếu một hệ thống phân phối hiệu quả khiến người tiêu dùng vẫn không thể tiếp cận được”.

Vị này cho rằng, yếu tố niềm tin của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng tới việc tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn. Trên thực tế, thời gian qua cũng có nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm sạch trà trộn sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vào bán cùng, gây mất niềm tin của khách hàng.

Ngoài ra, cũng cần kể tới lý do hiện nay nhiều hộ sản xuất có quy mô nhỏ nên sản lượng cung cấp không đều, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thường xuyên của nhiều doanh nghiệp, đơn vị lớn. Do đó, cần tổ chức các hộ kinh doanh thành quy mô lớn hơn như hợp tác xã để đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường. Đồng thời, phải cải tiến chất lượng canh tác để giảm giá thành, giúp tiếp cận nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn.

Phương Dung

 

Nghịch lý: Thực phẩm bẩn hoành hành, rau thịt sạch vẫn “bí” đầu ra - 2