1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghịch lý Mizuho Bank mua đắt cổ phần Vietcombank vẫn "1 vốn 4 lời"

Vân Khánh

(Dân trí) - Mizuho Bank trở thành cổ đông chiến lược tại Vietcombank sau khi mua cổ phần với giá bị cho là "đắt". Thế nhưng, thực tế cho thấy đây lại là thương vụ "một vốn bốn lời".

Mong muốn nắm giữ 20% cổ phần

Trong năm 2011, thời điểm Việt Nam phải chật vật với lạm phát rất cao, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gặp không ít khó khăn khi tìm cổ đông chiến lược. Một trong những khó khăn chính là giá cổ phiếu VCB… quá cao.

Giữa bối cảnh nhiều bất lợi đó, tờ Japantimes cho biết, Mizuho Financial Group Inc. gây chú ý khi tuyên bố muốn chi 60 tỷ yên (khoảng 15.600 tỷ đồng) để mua cổ phần tại Vietcombank, từ đó nắm giữ 20% vốn ngân hàng.

Masako Shiono, người phát ngôn của Mizuho, từ chối bình luận về câu chuyện này.

Còn trước đó, Wall Street Journal đưa tin rằng Mizuho là nhà thầu ưu tiên nhận 15% cổ phần với giá khoảng 500 triệu USD (khoảng 10.520 tỷ đồng). Mizuho và các đối thủ lớn hơn là Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., tất cả đều có trụ sở tại Tokyo, đang mở rộng ở châu Á khi hoạt động cho vay thu hẹp trong nước.

Nghịch lý Mizuho Bank mua đắt cổ phần Vietcombank vẫn 1 vốn 4 lời - 1

Mizuho là cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất tại Vietcombank (Ảnh: VCB).

Điều đáng nói, bất chấp tình hình lạm phát ở Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài vẫn không ngừng hướng tới thị trường ngân hàng Việt Nam. Japantimes cho biết: "Các ngân hàng nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam để khai thác nhu cầu tín dụng ở quốc gia Đông Nam Á này ngay cả khi nước này đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát gần 21%. Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia và United Overseas Bank Ltd. của Singapore đã được chấp thuận tăng cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam vào đầu tháng này".

Trả lời trên Reuters, ông Quách Mạnh Hào, khi đó là Phó Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long có trụ sở tại Hà Nội, bình luận: "Thương vụ này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam".

Mua đắt?

Sau nhiều tin đồn, vào cuối tháng 9/2011, cái "bắt tay" giữa Mizuho và Vietcombank chính thức hé lộ. Theo đó, tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản đã chi 11.800 tỷ đồng (khoảng 567,3 triệu USD) để nắm giữ 15% cổ phần Vietcombank. Mizuho trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất tại Vietcombank.

Đáng chú ý, trung bình, mỗi cổ phần VCB mà Mizuho mua có giá 34.000 đồng. Đóng cửa phiên giao dịch 30/9/2011, ngày thương vụ diễn ra, giá cổ phiếu VCB dừng ở mức 27.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Mizuho mua "đắt" hơn thị giá 6.700 đồng/cổ phiếu, tương đương 24,5%.

Tới đầu năm 2019, Mizuho chi thêm gần 930 tỷ đồng mua thêm gần 16,7 triệu cổ phần nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 15% tại Vietcombank. Trung bình mỗi cổ phiếu Vietcombank tại thời điểm đó có giá 55.690 đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, VCB dừng ở mức 53.500 đồng/cổ phiếu. Chênh lệch giữa giá Mizuho mua vào và thị giá VCB không quá lớn. Sau đợt mua vào này, Mizuho đang nắm khoảng 556,3 triệu cổ phiếu Vietcombank, tương đương 15% vốn ngân hàng.

Tính bình quân, Mizuho phải chi ra 34.650 đồng cho mỗi cổ phiếu VCB.

Dù đã thu về rất nhiều tiền từ các đợt phát hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank khẳng định mức tăng vốn hiện nay so với đề án tái cơ cấu và so với yêu cầu tăng trưởng thời gian tới, vẫn còn rất nhỏ. Vì vậy, nhu cầu tăng vốn điều lệ ở Vietcombank là "rất bức thiết".

Tới giữa tháng 6/2020, Vietcombank dự kiến chào bán tối đa hơn 241 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ. Trong đó, Vietcombank mong muốn phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho gần 36,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,92% vốn nhằm giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% vốn.

Nghịch lý Mizuho Bank mua đắt cổ phần Vietcombank vẫn 1 vốn 4 lời - 2

Giá cổ phiếu VCB đã liên tục lập đỉnh mới từ sau khi Mizuho trở thành cổ đông (Ảnh: VCB)

"Một vốn bốn lời"

Tại thời điểm ban đầu, giá mua cổ phần Vietcombank của Mizuho cao hơn thị giá. Tuy nhiên, thời gian đã trả lời đây thương vụ "một vốn bốn lời".

Thứ nhất xét về thị giá, cổ phiếu VCB đã trải qua quá trình liên tục lập đỉnh mới. Vào ngày 7/2/2021, VCB đạt mức cao nhất lịch sử 107.000 đồng/cổ phiếu. Tới nay, VCB điều chỉnh nhưng vẫn đứng ở mức rất cao. Đóng cửa phiên 12/3/2021, VCB dừng ở mức 95.800 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, so với giá trung bình mà Mizuho chi ra, giá cổ phiếu VCB đã tăng 61.150 đồng/cổ phiếu, tương đương 180%. Hay nói cách khác, giá cổ phiếu VCB tăng gần gấp 3 lần. Nhờ vậy, lượng cổ phần VCB thuộc sở hữu Mizuho tăng 31.018 tỷ đồng (khoảng 1,47 tỷ USD) lên 53.294 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).

Ngoài ra, Mizuho cũng nhận được cổ tức từ Vietcombank. Trong giai đoạn 2011-2019, Vietcombank chi trả cổ tức từ 8% đến 12% mỗi năm. Tổng giai đoạn này, tỷ lệ cổ tức lên đến 80%. Tổng số tiền cổ tức bằng tiền mặt mà Mizuho nhận được là 4.450 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietcombank có ý định phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 18%.