1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tập đoàn đa ngành:

Nghịch lý của 12 tỷ USD và 52 tỷ USD

(Dân trí) - Trao đổi với <i>Dân Trí</i>, tiến sỹ Nguyễn Quang A đã từng cho rằng khái niệm “tập đoàn” đã không được hiểu một cách đầy đủ khi vận hành nó trong nền kinh tế.

Cũng như ông Nguyễn Quang A, nhiều chuyên gia hàng đầu  chia sẻ quan niệm đó. Khi mô hình này chưa được tổng kết, chỉnh sửa và nhận thức một cách đầy đủ thì mới đây, những “ông lớn nhà nước” như Dệt may, Viettel, Dầu khí, Bảo Việt liên tục có những động thái vươn ra đa ngành.

 

Hiệu quả từ quy mô

 

Ông Đinh La Thăng, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (Petro Việt Nam) lấy ví dụ, tập đoàn Petronas (Malaixia), tổ chức kinh tế “đồng niên” với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có doanh thu 52 tỷ USD năm 2006.

 

Con số này đối với “người bạn đồng hành” ở nước láng giềng Việt Nam là 12 tỷ USD. Điều gì khiến cho hai tập đoàn có một cách biệt lớn lao về hiệu quả kinh doanh đến vậy? “Doanh thu khổng lồ này của Petronas được đóng góp với 50% từ ngành dịch vụ. Họ phát triển rất mạnh sang các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản,… Tóm lại, họ đã được làm những gì hiệu quả", ông Đinh La Thăng nhận định.

 

Và, tập đoàn Dầu khí đã đề nghị Thủ tướng cho phép vươn lĩnh vực kinh doanh của mình ra đa ngành: bảo hiểm, đầu tư tài chính, ngân hàng, bất động sản.

 

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, “trong chiến lược phát triển, các tập đoàn có thể đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động kinh doanh liên quan đến ngành nghề cốt lõi của mình. Họ cũng có thể lựa chọn thêm nhiều lĩnh vực khác để chia sẻ các rủi ro”.

 

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với phóng viên Dân Trí, ‘pháp luật về doanh nghiệp hiện hành không cấm các công ty kinh doanh đa ngành, thậm chí một công ty cũng có thể kinh doanh 1000 ngành nghề, miễn là anh có đầy đủ các điều kiện tương ứng. Họ (tập đoàn) đề nghị như thế là phù hợp với pháp luật”.

 

Và những rủi ro

 

Nhưng để lựa chọn sự phát triển, điều cốt yếu không kém của các tập đoàn là kinh doanh trên thế mạnh của mình, hạn chế các rủi ro khi vươn ra biển lớn.

 

Bà Phạm Chi Lan nói: “Thứ nhất, khi đi vào những ngành không có thế mạnh, đang cạnh tranh quyết liệt thì có gì bảo đảm họ sẽ thành công?

 

Tập đoàn phải dành nguồn lực cho kinh doanh cốt lõi.

 

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ với báo giới: “Nhà nước cần xem lại khi quyết định thành lập tập đoàn. Cần quy định họ phải dành bao nhiêu nguồn lực cho kinh doanh cốt lõi, theo tôi là phải 80% vốn. Với từng lĩnh vực cốt lõi, cần có quy định cụ thể như tốc độ phát triển, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh trong nước, quốc tế”

Rủi ro thứ hai, và cũng nguy hiểm hơn, họ sẽ xao nhãng  việc đầu tư vào nghành nghề kinh doanh cốt lõi, những lĩnh vực này không được củng cố trong khi sức ép cạnh tranh tăng cao. Tập đoàn kinh tế Nhà nước được giao nắm giữ trọng trách những ngành huyết mạch của nền kinh tế, có vị trí thống lĩnh những ngành đó. Trong trường hợp họ đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, không những gây tổn hại cho bản thân DN mà còn nguy hiểm cho nền kinh tế.

 

Thứ ba, bản thân tập đoàn và cả nhà nước có thể không kiểm soát được những DN bỏ vốn vào, bình thường nhà nước đã không kiểm soát tốt các DNNN, nay mở rộng ra nữa thì kiểm soát thế nào”.

 

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Đổ vỡ, thất thoát, lãng phí là những nguy cơ có thể nhìn thấy trước”.

 

Tiến sỹ Nguyễn Quang A lo ngại cho một điều cốt lõi nhất không chỉ của quy trình kinh doanh: Con người. “Công nghệ, cơ hội kinh doanh, ưu thế của quá trình hội nhập và vốn sẽ không có ý nghĩa gì khi không có yếu tố con người. Chính yếu tố này giúp vận hành toàn bộ quy trình đó. Vươn sang một lĩnh vực mới, các tập đoàn sẽ gặp nhiều rủi ro nếu không chuẩn bị được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp”.

 

Chưa bàn đến các chiến lược “ vươn ra thế giới” của các tập đoàn có hiệu quả hay không nhưng phát biểu mới đây của lãnh đạo một tập đoàn đã thực sự gây “sốc” cho giới ngân hàng, tài chính. Vị này nói họ lập ngân hàng thì ngân hàng ấy chỉ cần phục vụ cho DN trong ngành cũng đủ lãi.

 

Phát biểu này đã chứng tỏ rằng, có nhiều bất cập từ kiến thức kinh doanh ngân hàng, một trong các lĩnh vực mà “ông lớn” này định vươn sang.

 

Ông Nguyễn Quang A bức xúc: “Nói thế là họ đã không có một kiến thức nền tảng cơ bản về hoạt động tín dụng của ngân hàng. Họ không hiểu những kiến thức cơ bản về kinh doanh ngân hàng”.

 

Theo ông Quang A, nếu thành lập ngân hàng để cho các công ty con vay kinh doanh, rủi ro sẽ rất lớn. Nguyên tắc kinh doanh của ngân hàng là không thể huy động vốn để cho các công ty công ty con, đơn vị chúng vốn sở hữu vay. “Thật sự lo ngại cho việc này. Khi ngân hàng đó thất bại thì không chí bản thân nó mà cả nền kinh tế của đất nước lãnh hậu quả”.

 

Còn nhớ, trong Diễn đàn DN thủ đô các nước ASEAN, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng Vụ chiến lược Ngân hàng Nhà nước, bày tỏ lo ngại rằng ở Việt Nam, có sự liên kết mật thiết của các công ty gia đình với hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản…Ông Lê Xuân Nghĩa gọi hiện tượng này bằng một cụm từ gợi nhiều ý nghĩa: “Kinh doanh cánh hẩu”.

 

Tác động của “kinh doanh cánh hẩu” đẩy tới sự không mình bạch về thông tin trong thị trường.

 

Nghịch lý của 12 tỷ USD và 52 tỷ USD vẫn là những ẩn số, mà hình như, nó không chỉ nằm ở những cơ hội giao thương, ở vốn, ở quy trình chuyển giao công nghệ…

 

Việt Dũng