Nghịch lý chung cư cao cấp: Xây nhà xong mới tính đường, dân lo không có lối đi!

(Dân trí) - Tại Hà Nội, nhiều khu chung cư nằm trong con ngõ nhỏ, phố nhỏ đã và đang gây áp lực lên hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thậm chí, nhiều dự án, sau khi bàn giao và về ở người mua nhà mới tá hoả lo về đường đi lối lại hàng ngày.

Dự án Home City chặn lối đi chính, yêu cầu cư dân đi một lối đi phụ khác đã gây nhiều bức xúc cho cư dân.
Dự án Home City chặn lối đi chính, yêu cầu cư dân đi một lối đi phụ khác đã gây nhiều bức xúc cho cư dân.

Xây xong mới tính tới đường

Như Dân trí đưa tin, vừa qua cư dân tại dự án Home City (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đồng loạt lên tiếng tố chủ đầu tư không trung thực khi bán hàng, đối xử bất công và khiến nhiều người cảm giác bị lừa sau khi nhận nhà. Dự án này do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Văn Phú - Trung Kính, công ty con của Văn Phú Invest làm chủ đầu tư, hiện đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng vào quý IV/2016.

Bức xúc nhất được phản ánh là, trong Hợp đồng mua bán căn hộ và tất cả các văn bản liên quan đến dự án Home City, chủ đầu tư đều lấy địa chỉ là 177 Trung Kính, tổ 51, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội làm địa chỉ chính thức nhưng kể từ khi bàn giao nhà cho cư dân, chủ đầu tư đã cho bảo vệ chặn lối đi này, yêu cầu tất cả cư dân phải đi lối ra đường Nguyễn Chánh.

Điều đáng nói, lối đi phụ trên đường Nguyễn Chánh không có địa chỉ rõ ràng, không có nhận diện chung cư trên cổng, cổng vào tạm bợ, khuất tầm nhìn. Đặc biệt hơn, hiện nay cả lối vào đường Nguyễn Chánh cũng chỉ là lối vào mượn từ dự án khác. Do vậy, cư dân tại đây đang rất lo ngại sau này khi dự án kia triển khai lấy lại phần đường đi hàng nghìn cư dân sống tại đây "không biết đi lối nào vào nhà”.

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến một trường hợp chung cư cao cấp khác là dự án Sky City Tower (88 Láng Hạ, quận Đống Đa) vướng hàng loạt rắc rối xung quanh chuyện lối đi, cổng vào.

Tại tòa Sky City, từ năm 2007-2008, theo quảng cáo của Công ty TNHH Hanotex (chủ đầu tư) và đơn vị bán hàng khi mở bán dự án, đây là khu chung cư cao cấp với những tiện ích hiện đại. Lối cổng vào khu nhà rộng hơn 11m đã được chủ đầu tư mua lại và đó hoàn toàn thuộc sở hữu của tòa chung cư này.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, Hanotex thông báo tới cư dân rằng hai phần ba diện tích cổng vào trước đây vốn chỉ được chủ đầu tư thuê lại của một đơn vị khác để làm lối đi tạm cho cư dân. Do hợp đồng cho thuê giữa 2 bên đã hết hạn, cư dân sẽ phải hoàn trả lại phần diện tích đó. Như vậy lối vào sẽ bị thu hẹp chỉ còn 3,5m. Phản ánh với báo chí, cư dân ở đây lo ngại, với diện tích này không thể đảm bảo hai xe ô tô tránh nhau và không may có hỏa hoạn xảy ra xe cứu hỏa cũng không thể tiếp cận khu chung cư được.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ

Dù không trong trường hợp xây nhà rồi mới mở đường như trên nhưng tại Hà Nội, nhiều khu chung cư nằm trong con ngõ nhỏ, phố nhỏ đã và đang gây áp lực lên hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ngay tại khu chung cư cũng như các khu vực xung quanh.

Trên tuyến phố Triều Khúc, bán kính khoảng 1km đang phải “cõng” 2 đại công trường: Công trình hỗn hợp Pandora (53 Triều Khúc) và dự án chung cư cao cấp Blue Diamond (69 Triều Khúc). Trong đó, dự án biệt thự liền kề, chung cư Pandora 53 Triều Khúc được chủ đầu tư, Công ty liên doanh ôtô Hòa Bình, giới thiệu là dự án trọng điểm của quận Thanh Xuân trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng được quy hoạch của thành phố Hà Nội.

Tổng diện tích xây dựng dự án là 41.700 m2, khởi công tháng 6/2015 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2019. Một số nguồn thông tin cho biết, để đảm bảo thỏa mãn điều kiện về hạ tầng giao thông, tương lai, dự án sẽ có quy hoạch tuyến đường mở rộng tới 40 m chạy qua. Nhưng thực tế, con phố nhỏ chỉ rộng khoảng 4m Triều Khúc vẫn đang là lối vào duy nhất của công trình này.

Trong khi đó, dự án chung cư Diamon Blue nằm ngay cạnh Pandora khởi công từ đầu 2015. Với quy mô được giới thiệu cũng thuộc dạng “khủng”, dự án này góp phần làm trầm trọng thêm sự quá tải của khu vực này.

Một trường hợp khác cũng chịu gánh nặng về hạ tầng khi đường vào quá nhỏ mà dự án quá to là chung cư 27 tầng Hongkong Tower đặt trên nền đất rộng hơn 5.000 m2 trên phố Đê La Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Được chủ đầu tư giới thiệu là dự án có vị trí đắc địa khi nằm gần công viên Thủ Lệ, Cầu Giấy, cạnh Đại sứ quán Nga, gần các đại học Giao thông vận tải, Ngoại thương, Luật và cả các bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Nhi Trung ương...

Tuy nhiên, Hongkong Tower thực tế không phải nằm ngay vị trí mặt đường Đê La Thành mà là ở ngay bên chân tòa Icon 4, cạnh ĐH Giao thông Vận tải. Nhìn từ trên cao, vị trí của dự án lọt thỏm giữa đất các hạ tầng xây dựng và đường từ ngoài vào dự án dài khoảng 15 m, đi bên sườn tòa Icon4. Con đường nhỏ hẹp này chỉ vừa đủ cho 1 ôtô đi qua. Để cải thiện tình hình, mọi thứ đều trông chờ vào quy hoạch tuyến đường Voi Phục -Thái Hà rộng 40 m sẽ chạy qua trong tương lai.

Chung tình trạng trên, dự án chung cư Sapphire Palace nằm trên mặt phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) cũng có đường vào chỉ rộng khoảng 4m. Dự án Chung cư Sao Ánh Dương được giới thiệu nằm trên vị trí thuận tiện, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thế nhưng, hiện nay đường vào dự án là một ngõ nhỏ đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài các dự án trên còn có thể kể tới hàng loạt các dự án khác trong tình cảnh tương tự như: Dự án Sky Garden nằm trong ngõ nhỏ 115 Định Công do Công ty Vân Thái đầu tư, Star Tower trong ngõ 283 đường Khương Trung do Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và Xây dựng (VIDEC) làm chủ đầu tư; Tràng An Complex tại số 1 Phùng Chí Kiên; chung cư 170 Đê La Thành cao 20 tầng của chủ đầu tư GP Invest; Chung cư HCMCC, tại địa chỉ số 25A, ngõ 8, ngách 379 trên đường Đội Cấn cao 18 tầng; Khu chung cư Nàng Hương tại ngách 583 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội)...

Phương Dung