Nghịch cảnh: Bện dây thừng lãi to, mở sòng bạc lỗ đậm 300 tỷ đồng

Bán vàng mã, tổ chức đám ma, làm bao cao su…, những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh độc nhất trên sàn chứng khoán. Một mình một nghề nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn tốt.

Bán vàng mã, đám ma thắng lớn
 

Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp ngành nghề lạ nhưng có kết quả ấn tượng như: CTCP Mai táng Hải Phòng (CPH), CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV) chuyên sản xuất dây thừng, lưới đánh cá; Công ty chuyên cung cấp đầu lọc thuốc lá Cát Lợi (CLC),...

CTCP Mai táng Hải Phòng (CPH) lại ăn nên làm ra. Theo báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu thuần đạt gần 109 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số hơn 107 tỷ đồng đạt được năm 2019. Trong đó doanh thu từ bán hàng hóa tăng 2 tỷ đồng, lên 53,7 tỷ đồng. Doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt gần 51 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn lại là doanh thu bán thành phẩm.

Trừ chi phí vốn bỏ ra, công ty lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 32,2 tỷ đồng, trong đó riêng mảng bán hàng hóa cũng là mảng mang lại phần lớn lợi nhuận gộp với hơn 25,7 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng lợi nhuận gộp đạt được cả năm.

Lợi nhuận sau thuế đi ngang, với hơn 9 tỷ đồng, nhưng cũng vượt 6,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt trên 2.060 đồng.

 
Nghịch cảnh: Bện dây thừng lãi to, mở sòng bạc lỗ đậm 300 tỷ đồng - 1
Kinh doanh vàng mã lãi lớn (ảnh minh họa).

CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 40% (tương đương 4.000 đồng/cp). CAP chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/03/2021 và ngày thanh toán dự kiến là 28/4. Đây là một tỷ lệ cổ tức cao, hơn nhiều các tập đoàn bất động sản lớn và ngang ngửa với các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức cao như Vinamilk (VNM)...

Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái được biết đến là một doanh nghiệp chuyên sản xuất vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Dù bán vàng mã, doanh nghiệp ngành nghề lạ này kiếm vài tỷ đồng mỗi ngày.

Trong năm 2020, CAP ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 33% lên hơn 30 tỷ đồng. Trong quý I niên độ 2020-2021 (từ 01/10-31/12/2020), CAP ghi nhận lãi sau thuế tăng gấp 2,4 lần, đạt hơn 16 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu CAP ở vùng cao lịch sử, tăng gấp khoảng 1,5 lần so với đầu năm.

Siam Brothers Việt Nam cũng là doanh nghiệp hoạt động chính là sản xuất dây thừng, các loại ngư lưới cụ. Sau hơn gần 30 năm hoạt động, SBV hiện là nhà sản xuất và cung cấp dây thừng đánh bắt cá hàng đầu tại Việt Nam.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu năm 2020 cũng tăng trưởng xấp xỉ 9% so với năm trước đó, lên 506 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 19%, lên 68 tỷ đồng. EPS đạt 2.485 đồng.

Hiện vốn điều lệ của Siam Brothers Việt Nam đang xấp xỉ 273 tỷ đồng, giá cổ phiếu đang giao dịch quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản thị trường khá ổn định với hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Chỉ số PE quanh mức 5 lần.

CTCP Merufa (MRF) đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 12/2017, trở thành doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên, và cũng là duy nhất hiện nay giao dịch trên sàn chứng khoán. Từ đầu tháng tới nay, MRF có mức giá tăng 49 đến 60 nghìn đồng/cổ phiếu.

Thua lỗ rời sàn

Một mình một ngành nghề nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có kết quả kinh doanh tốt. Cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia tiếp tục giảm sàn. Trên sàn chứng khoán, RIC được liệt kê vào list những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề "độc, lạ" với việc được kinh doanh sòng bài. RIC trở thành doanh nghiệp duy nhất trên sàn hoạt động kinh doanh casino.

Kết quả kinh doanh của năm 2020 không hề khả quan, cho thấy đây không phải là "lực đẩy" cho đà tăng giá cổ phiếu RIC vừa qua. Doanh thu năm 2020 giảm 47% so với cùng kỳ, còn gần 126 tỷ đồng. Và số lỗ hơn 81 tỷ đồng của năm 2020 còn cao hơn cả năm 2019 (gần 73 tỷ đồng). Tính chung đến hết năm 2020 RIC còn lỗ lũy kế gần 310 tỷ đồng.

RIC mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2020 ở vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu và suốt một năm ròng không nhúc nhích gì đáng kể. Nhà đầu tư cũng chẳng ai quan tâm cổ phiếu RIC khi mà suốt nhiều năm qua thanh khoản cổ phiếu RIC luôn ở mức thấp. Mãi đến giữa tháng 1/2021, việc RIC liên tục tăng trần lại trở thành chủ đề của nhiều nhà đầu tư.

 
Nghịch cảnh: Bện dây thừng lãi to, mở sòng bạc lỗ đậm 300 tỷ đồng - 2
Diêm Thống Nhất đã rời sàn.

Với ngành nghề kinh doanh diêm, Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (DTN) đã chính thức rời sàn. Lý do được HNX đưa ra: "CTCP Diêm Thống Nhất không còn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng".

Trước khi chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán, Diêm Thống Nhất từng công bố thông tin về rủi ro mang tính đặc thù: "Mặt hàng chính của công ty là diêm hộp các loại sử dụng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Bao bì carton. Các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác. Đặc biệt diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, giá trị thấp, có nhiều sản phẩm thay thế".

Giá tham chiếu cổ phiếu của doanh nghiệp này đạt 12.000 đồng/cổ phiếu vào ngày giao dịch đầu tiên 23/6/2014. Sau đó 4 năm, đến 1/2018, cổ phiếu Diêm Thống Nhất từng rơi đáy, chỉ còn hơn 2.500 đồng, sau đó hồi phục dần. 

Với 2,2 triệu cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu Diêm Thống Nhất hủy giao dịch tương đương 22 tỉ đồng (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).

Về hoạt động kinh doanh, năm 2019 Diêm Thống Nhất đạt tổng doanh thu năm 132 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên lợi nhuận chỉ đạt 1,15 tỉ đồng. Những năm trước doanh thu thường trên 100 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ dao động từ 2-4 tỉ đồng.