1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghĩa trang lớn nhất TPHCM "hoá kiếp" thành tòa nhà cao ốc

(Dân trí) - Nghĩa trang Bình Hưng Hòa hiện tại sẽ trở thành một trong bảy khu dân cư tại quận Bình Tân được UBND TPHCM duyệt quy hoạch trở thành khu phức hợp, tòa nhà cao ốc và công viên cây xanh.

Đất nghĩa trang gần 15 triệu/m2

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân xác nhận thông tin địa phương này đang từng bước thực hiện việc "chuyển đổi công năng" của một phần nghĩa trang Bình Hưng Hoà thành khu đô thị cao cấp.

Theo đó, nghĩa trang lớn và lâu đời nhất TPHCM sẽ là một trong 7 khu dân cư của quận Bình Tân đã được UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Nghĩa trang lớn và lâu đời nhất TPHCM sẽ là một trong 7 khu dân cư của quận Bình Tân đã được UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (Ảnh: Ngọc Tiến)
Nghĩa trang lớn và lâu đời nhất TPHCM sẽ là một trong 7 khu dân cư của quận Bình Tân đã được UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (Ảnh: Ngọc Tiến)

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có tổng diện tích gần 44ha, nằm trên hai trục đường chính Tân Kỳ Tân Quý và Bình Long, thuộc phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân. Nghĩa trang này hình thành từ rất lâu nhưng qua quá trình đô thị hoá mạnh mẽ, dần dần Bình Hưng Hoà trở thành khu nghĩa trang "lọt thỏm" trong khu dân cư.

Năm 2008, do lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND TPHCM đã có chủ trương kêu gọi đầu tư bỏ kinh phí ra bốc mộ, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Do không tìm được nhà đầu tư nên UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa thành dự án riêng và sử dụng nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách thành phố để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ chưa có người thân đến nhận nên việc di dời, giải toả vẫn chưa hoàn tất.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, cơ quan chức năng sẽ tiến hành di dời hơn 16.479 ngôi mộ có diện tích 18 ha đất trong tổng 44ha của toàn khu nghĩa trang. Tính đến thời điểm này, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1 còn khoảng 4.000 ngôi mộ chưa được bốc. Kể từ ngày 31/10/2017, cơ quan hữu trách sẽ bốc mộ vắng chủ theo quy định của pháp luật và tro cốt được lưu trữ tại chùa Di Lặc. Khi đó, thân nhân đến nhận thì chỉ được nhận hũ cốt chứ không được hưởng các chính sách bồi thường có liên quan.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, phần diện tích 18 ha nghĩa trang đã được di dời sẽ giao lại cho thành phố đem ra đấu giá làm trung tâm thương mại nhằm tái tạo nguồn vốn để tiếp tục di dời các phần mộ còn lại.

Dự kiến nguồn thu ở 18ha này sẽ đạt gần 2.500 tỷ đồng, tương đương với việc bán đấu giá gần 15 triệu đồng/m2.

"Số tiền này sẽ là nguồn thu để hoàn trả vốn ngân sách cho thành phố đã bỏ ra trước đó cũng như có kinh phí để phục vụ việc di dời phần còn lại của dự án và đầu tư 26ha để xây dựng công viên cây xanh", ông Nhựt nói.

Nghĩa địa thành "lá phổi xanh"

Việc một nghĩa trang lớn như Bình Hưng Hoà được "hoá kiếp" thành khu đô thị cao cấp, có công viên, cây xanh khiến nhiều người... phát sốt.

Qua tiếp xúc, những người dân gần khu nghĩa trang này không giấu được niềm vui. Chị Nguyễn Thu Sa (43 tuổi) cho biết, khi nghĩa trang bị xoá bỏ, nghề buôn bán khẩu trang, áo mưa trên đường Tân Kỳ Tân Quý của chị chắc bị xáo trộn nhưng chị chấp nhận vì "thấy sự tươi sáng".

"Nói thật, dù nghĩa trang ở TPHCM khác với vùng quê nhưng cảm giác rờn rợn mỗi khi trời tối. Đời tôi thì chẳng sao, chỉ lo 2 đứa con không dám ngủ mỗi khi cha mẹ vắng nhà", chị Sa nói.

Nghĩa trang này sẽ hoá kiếp thành khu đô thị sầm uất (Ảnh: Ngọc Tiến)
Nghĩa trang này sẽ "hoá kiếp" thành khu đô thị sầm uất (Ảnh: Ngọc Tiến)

"Khu nghĩa trang này rộng lớn, những ngày rằm, mùng một, nhang khói bay nghi ngút. Ban đêm đứng trên lầu nhìn xuống, thấy rợn rợn người. Những khi trời mưa, trông u ám lắm. Nhà tôi thường phải che rèm để tránh nhìn ra view... nghĩa trang", anh Gia Huy, ngụ tại dự án Celadon City gần nghĩa trang nói.

Anh Huy cho biết, khu nghĩa trang này là nơi tội phạm ẩn nấp nên rất phức tạp. Nhiều sới gà với tiền xâu "khủng" thỉnh thoảng hoạt động, thu hút những con bạc khát máu, xăm trổ đầy người khiến người dân... rùng rợn.

"Vấn đề chúng tôi lo lắng nhất là nguồn nước sinh hoạt có an toàn hay không, do chung cư này nằm khá sát với nghĩa trang. Mặc dù biết là chủ đầu tư cung cấp nước máy, nhưng tâm lý vẫn cứ lo lo", anh Huy nói thêm.

Theo các chuyên gia bất động sản, chủ trương di dời nghĩa trang khỏi trung tâm khi tốc độ đô thị hoá ngày càng phát triển là hoàn toàn đúng đắn. Để "hoá kiếp" vùng đất chết này thành khu đô thị sầm uất chắc phải tốn thời gian khá dài. Do đó, trước mắt, chính quyền địa phương cần phải hoàn thiện các công trình công cộng như công viên... để tạo thành "lá phổi xanh" mang lại cảm giác bình yên cho người dân nơi đây.

UBND TPHCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 7 khu dân cư trên địa bàn quận Bình Tân. Ngoài một phần khu nghĩa trang Bình Hưng Hoà, 6 khu dân cư này bao gồm:

Khu dân cư phía Nam Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc có tổng diện tích khoảng 172ha. Khu dân cư Ngã ba An Lạc, thuộc một phần phường An Lạc, phường An Lạc A, phường Bình Trị Đông B và phường Tân Tạo A có tổng diện tích khoảng 293ha. Khu dân cư phía Bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc có tổng diện tích khoảng 273ha.

Khu dân cư phía Bắc đường Tân Kỳ - Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa có tổng diện tích khoảng 380ha. Khu dân cư phía Đông đường Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông có tổng diện tích khoảng 296ha. Đặc biệt là khu dân cư phía Tây Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân có tổng diện tích khoảng 438ha.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm