Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA: Tin vui trong “cơn bão” dịch corona

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Đây được coi là tin tích cực với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh lo ngại kinh tế ảm đạm vì corona.

Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA:  Tin vui trong “cơn bão” dịch corona - 1
EVFTA được đánh giá là cú hích đối với xuất khẩu Việt Nam.

Tin vui trong bối cảnh ảm đạm do virus corona

Theo tin chính thức từ Bộ Công Thương chiều nay (12/2), Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Kết quả: Có 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.

Cùng với việc thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA, Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.

Như vậy, hai hiệp định EVFTA và EVIPA đều đã được thông qua với số phiếu áp đảo.

Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA:  Tin vui trong “cơn bão” dịch corona - 2

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo vào 18h15 phút. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo vào 18h15 phút. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA chiều nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

"Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn", ông nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu.

"Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA:  Tin vui trong “cơn bão” dịch corona - 3

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời các câu hỏi của các nhà báo 

Cũng theo người đứng đầu ngành Công Thương,  trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Theo thông tin của Bộ Công Thương, theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.

Chuyên gia kinh tế: Tin quá vui cho nền kinh tế

Trao đổi với Dân trí sau khi nhận được thông tin này, GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới hồ hởi nói: Đây là tin quá vui cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo vị chuyên gia, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho cả Việt Nam và EU. “Đây sẽ là một điểm tích cực đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu sự ảm đạm do dịch virus corona gây ra", ông Võ Đại Lược nhận định.

Trong tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, về thủ tục nội bộ của EU, Hiệp định EVFTA sau khi được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn sẽ được Hội đồng Châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Còn với Hiệp định EVIPA, Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau sự sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit).

“Chúng ta đang tiến gần hơn tới việc mở cửa, bước vào thị trường lớn là châu Âu. Là một FTA thế hệ mới, Hiệp định được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ là vấn đề thuế quan, đây là một hiệp định toàn diện bao gồm cả những vấn đề cải cách môi trường kinh doanh đầu tư, hoàn thiện thể chế...", ông Lược nói.

GS. TSKH. Võ Đại Lược cho biết, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu u có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện xuất khẩu Việt Nam đang chịu những tác động rất lớn từ dịch virus corona, cũng chính bởi do còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này ngưng trệ, ngay lập tức nông sản rồi vô số hàng hoá khác của chúng ta lao đao kể cả đầu ra lẫn đầu vào.

Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã khiến cho nhiều mặt hàng của Việt Nam thường rơi cảnh ùn ứ cửa khẩu. “Giải cứu” là từ quen thuộc đối với thị trường. Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng việc đẩy mạnh tìm thị trường mới để giảm bớt phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào là sự cần thiết.

Không chỉ các sản phẩm xuất khẩu, nguồn nguyên liệu nhập khẩu hay thu hút đầu tư nước ngoài cũng đều có thể kỳ vọng nhiều hơn ở từ EVFTA. Tăng trưởng GDP, vì thế cũng sẽ có thêm cơ hội để tránh rơi vào cảnh giảm tốc.

Doanh nghiệp cần chủ động, đừng để “mơ hồ" đánh rơi cơ hội

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại (FTA) đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế GSP 0%.

Cùng với những cơ hội về thương mại, Hiệp định EVFTA cũng được người đứng đầu Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội về đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên.

"Cùng với cơ hội thì việc thực thi các FTA thế hệ mới đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất của các nước nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại... Để tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cùng từng nhấn mạnh rằng, thách thức là đương nhiên là khi tham gia bất kỳ một FTA nào, không riêng gì EVFTA.

“Bởi khi Việt Nam được mở cửa để tạo thuận lợi hơn trong việc thâm nhập vào thị trường EU thì ngược lại, các doanh nghiệp EU cũng thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà, ngay trước cửa nhà mình”, Chủ tịch VCCI nói.

Tham gia EVFTA, không phải thả doanh nghiệp xuống hồ, xuống sông mà xuống đại dương. Nói như vậy song theo nhận định của ông Lộc, cạnh tranh thách thức là có nhưng “không phải quá nghiêm trọng”. “Tôi tin vào nội lực doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc nói và cho biết, chúng ta đã mở cửa cho rất nhiều đối thủ mạnh thông qua các FTA từ trước đến nay như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước thành viên CPTPP. Đặc biệt, đối với các sản phẩm mà Việt Nam có sức cạnh tranh thấp Hiệp định cũng có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian thích nghi.

Nhận định về những thách thức từ EVFTA, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhấn mạnh sự chủ động của các doanh nghiệp trước cơ hội mới.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức từ EVFTA. Nhưng sự chủ động của doanh nghiệp trong tìm hiểu cơ hội là quan trọng nhất”, ông Lược nói.

Vừa qua có những khảo sát cho thấy doanh nghiệp mù mờ về thông tin các hiệp định tự do. Ông Lược cho rằng, chính sự mù mờ này khiến doanh nghiệp tự đánh mất cơ hội của mình. Bên cạnh đó, lời khuyên của vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm, đó là hãy chủ động tìm các mối quan hệ, liên doanh liên kết doanh với các doanh nghiệp châu Âu. Nghiên cứu xem thị trường họ cần gì để đáp ứng, đừng quen với lối làm ăn “dễ dãi".

“Khu vực doanh nghiệp tư nhân của chúng ta vẫn còn nhỏ bé. Trong khi họ chính là nội lực chính trong cuộc cạnh tranh kinh tế. Cả nhà nước, doanh nghiệp lúc này cần sự nỗ lực rất lớn để có thể tận dụng thời cơ, giảm bớt thách thức. Cần tiếp tục có những chính sách đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân và tất cả các chính sách đều phải thực tế, đưa vào cuộc sống”, chuyên gia Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, Chính phủ hiện đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.

Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, để giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết hơn về Hiệp định EVFTA nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn bộ văn kiện Hiệp định cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định trên trang web evfta.moit.gov.vn.

Bên cạnh đó, trang web này cũng cập nhật thông tin về tình hình phê chuẩn Hiệp định, các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU, kế hoạch hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới để thực thi Hiệp định./.

Nguyễn Mạnh