1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghi án “thổi” giá trứng

Chỉ 2 tuần, trứng gà bán lẻ từ 2.000 tăng vọt lên 3.000 đồng/quả khiến người tiêu dùng hoang mang. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên: các công ty chăn nuôi đẩy giá lên cao bất thường.

 

Nghi án “thổi” giá trứng

Trứng gia cầm được bình ổn giá tại hệ thống siêu thị Co.op Mart TP.HCM nhưng quy định người mua 2 vỉ/người/ngày.

 

Dù lượng trứng sản xuất ra tăng cao hơn trước nhưng các công ty chăn nuôi lớn vẫn liên tục đòi tăng giá bán trứng.

 

Tăng chóng mặt

 

“Không thể có chuyện chỉ trong một tuần mà tăng giá tới ba lần một mặt hàng được, như vậy là quá bất thường”

Chưa khi nào các bà nội trợ chứng kiến giá trứng gà bán tại siêu thị và các chợ tăng mạnh và liên tục như trong vòng nửa tháng qua.

 

Ngày 4/1, trứng gà tại các chợ truyền thống dao động ở mức 2.400-2.700 đồng/quả, trứng vịt từ 3.300-3.500 đồng/quả. Thế nhưng chỉ một tuần sau, giá trứng gà vọt lên 2.800-2.900 đồng/quả tại siêu thị, còn ở chợ lẻ có nơi đã vượt mức 3.000 đồng/quả.

 

Do chênh lệch quá lớn giữa trứng bình ổn và trứng thường (giá trứng gà bình ổn vẫn là 2.350 đồng/quả) nên đã xảy ra hiện tượng nhiều người vào siêu thị gom hết trứng giá rẻ để ra ngoài bán hưởng chênh lệch. Để giải quyết tình trạng này, các siêu thị đã phải đưa ra quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 vỉ trứng.

 

Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị chiều 13/1 cho thấy mặt hàng trứng gia cầm được khá nhiều người tiêu dùng chọn mua trong khi nguồn cung vẫn ổn định và không xảy ra tình trạng gom hàng ồ ạt như trước. Trong khi đó tại các chợ truyền thống, hiện giá trứng vẫn được các tiểu thương bán ở mức 3.000 đồng/quả trứng gà và 3.400 đồng/quả trứng vịt.

 

Theo các nhà phân phối và bán lẻ trứng, giá bán ngoài thị trường tăng nhanh chóng bởi trước đó các công ty cung cấp trứng đã đẩy giá lên liên tục.

 

Ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết thời gian qua chỉ có các công ty hợp tác với nông dân để nuôi gia công chủ động được nguồn hàng mới ít bị ảnh hưởng. Còn những đơn vị không có hệ thống chăn nuôi mà chỉ mua lại trứng từ các công ty chăn nuôi lớn về xử lý, đóng gói rồi bán sẽ gặp khó khăn do giá trứng tại các công ty liên tục bị đẩy lên cao.

 

Siêu thị ngưng nhập trứng của CP

 

Bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nói đầu tháng 1/2013, Co.op Mart nhận được đề nghị của Công ty CP về việc tăng giá bán trứng tại siêu thị. Theo giải thích của CP, do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên buộc phải tăng giá trứng gia cầm.

 

Sau khi nhận được thông báo tăng giá từ CP, hệ thống Co.op Mart đã thực hiện khảo sát giá ngoài thị trường và so sánh với giá sản phẩm cùng loại của các đơn vị khác, nhận thấy CP tăng giá bất hợp lý nên đã ngưng nhập trứng của đơn vị này.

 

“Không thể có chuyện chỉ trong một tuần mà tăng giá tới ba lần một mặt hàng được, như vậy là quá bất thường” - bà Thu khẳng định.

 

Theo nhiều người chăn nuôi, việc một số công ty chăn nuôi lớn như CP, Emivest lấy lý do giá thức ăn chăn nuôi tăng thời gian qua để tăng giá bán trứng là không hợp lý.

 

Thống kê từ các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, từ ngày 13/10/2012 đến 13/1/2013 giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng một lần và CP là một trong những đơn vị đầu tiên tăng giá với mức tăng 600 đồng/kg với cám đậm đặc và 260 đồng/kg với cám hỗn hợp. So với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg thì mức tăng giá hồi cuối tháng 12 chỉ tác động làm tăng 2-5% giá sản phẩm chăn nuôi. Thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian trên, giá bán các loại trứng của các công ty chăn nuôi đã có mức tăng cực nhanh, từ 1.300 đồng/quả lên 2.600 đồng/quả.

 

Qua tìm hiểu của PV, giá bán trứng của các chủ trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP và Công ty Emivest trong khoảng một năm qua vẫn ổn định ở mức 1.550 đồng/quả. Như vậy, nếu tính chi phí vận chuyển và đóng gói thì giá thành sản xuất trứng của các công ty vào khoảng 1.700 đồng/quả trong khi giá bán ngày 13-1 tại kho của các công ty này đã là 2.500 đồng/quả.

 

Anh Sang, một chủ trại chăn nuôi gà đẻ trứng tại Đồng Nai, cho biết khi thấy giá các sản phẩm chăn nuôi vừa tăng là CP đã tăng giá cám dù đây là ngành họ có lời nhiều nhất cả năm 2012. Sau đó, cũng chính CP lại đổ lỗi vì giá thức ăn chăn nuôi tăng nên họ phải tăng giá trứng. “Họ có lời cả khi tăng giá cám lẫn khi tăng giá trứng” - anh Sang nói.

 

Bản thân các công ty chăn nuôi cũng thừa nhận số lượng trứng sản xuất trong hệ thống của họ tháng 1/2013 đã tăng so với năm 2012. Trong đó, mỗi ngày hai kho trứng của CP ở Đồng Nai và Bình Phước bán ra gần 1,2 triệu quả, còn Công ty Emivest đang bán khoảng 850.000 quả trứng gà/ngày.

 

Một cán bộ của Công ty CP cho rằng giá trứng tăng là do mất cân đối cung cầu, CP có muốn giảm giá cũng không được. Còn đại diện của Công ty Emivest nêu lý do cả năm 2012 các công ty sản xuất trứng thua lỗ thê thảm nhưng không có cơ quan nào can thiệp giúp đỡ. Bây giờ giá cả do thị trường quyết định, nếu công ty giảm giá sẽ xảy ra tình trạng người ta mua rẻ rồi ra ngoài bán ngay hưởng chênh lệch.

 

Theo một chuyên gia thị trường nông sản, phần lớn các trại nuôi gà đẻ trứng tư nhân (chiếm 79% lượng trứng ra thị trường) đã phải đóng cửa do thua lỗ thời gian qua. Ngoài ra, từ cuối năm 2012, do cấm nhập gia cầm lậu từ Trung Quốc, các thương lái đổ xô vào phía Nam săn lùng mua gà đẻ loại càng khiến nguồn cung cấp trứng bị giảm sút.

 

“Khi cung thấp hơn cầu quá nhiều tất yếu giá cả sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, việc các công ty nhân cơ hội này để đẩy giá lên quá mức nhằm tận thu lợi nhuận bù đắp cho việc thua lỗ trong năm 2012 là hành động gây phản cảm cho người tiêu dùng” - vị chuyên gia này kết luận.

 

Sẽ làm rõ vụ tăng giá trứng

 

Đại diện Sở Công thương TP.HCM khẳng định UBND TP vừa chỉ đạo phải kiên quyết làm rõ nguyên nhân việc một số đơn vị chủ động tăng giá trứng gia cầm một cách bất thường trong thời gian qua.

 

Chiều 13/1, bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, bước đầu các sở, ngành sẽ làm việc trực tiếp với Công ty CP, sau đó Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng UBND hai địa phương là TP.HCM và Đồng Nai để cùng làm việc với Công ty CP.

 

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương sẽ chủ trì buổi làm việc này để có hướng xử lý phù hợp. Trong trường hợp nếu phát hiện đơn vị này tự động đẩy giá thành sản phẩm lên cao một cách bất hợp lý sẽ xử lý vi phạm theo Luật cạnh tranh.

 

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm