Nghẹn đắng với phở “bình dân” 70.000 đồng/tô, cơm rang 130.000 đồng/đĩa

(Dân trí) - Gọi bát phở bò, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (ngõ 2 Đại Từ, Q.Hoàng Mai) đã thất vọng khi bát phở chỉ lõng bõng vài cọng bánh, hành tươi và thịt bò thái nhỏ nhưng điều sốc hơn là chị phải trả tới 140.000 đồng cho hai tô phở quá bình dân này.

Chặt chém ngay thủ đô

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Do đi đón người nhà vào sáng sớm tại bến xe Giáp Bát, chưa kịp ăn gì chị Thu Thủy cùng người nhà rẽ vào một quán phở ở ngõ 23 Kim Đồng, ngay cạnh bến xe Giáp Bát. Đúng lúc đang lưỡng lự thì chủ quán chạy ra kéo với tay nói “vào đây ăn đi cái gì cũng có giá sinh viên ấy mà”. Bước vào trong quán, chị Thủy gọi hai bát phở bò và quan sát thấy các đồ dùng cũng thuộc dạng bình dân với ghế bàn nhựa nhỏ xếp thành hàng.

 

Lát sau, phở bò và trà đá được đem ra kèm theo. Tuy nhiên, ngay khi bát phở bò được đem ra, chị Thủy khá hụt hẫng vì bát phở chỉ có vài cọng bánh, hành và thịt bò được thái miếng rất nhỏ, nước dùng ngọt lịm vị của mì chính nên rất khó ăn. Đã gọi rồi nên chị và người nhà đành phải cố ăn.

 

Tuy nhiên, đến lúc tính tiền, chủ quán tính lên tới 140.000 đồng cho hai bát phở bò bình dân. Thắc mắc vì giá quá đắt, chị Thủy nhận được câu trả lời “sao không hỏi giá trước khi vào ăn”. Quá bức xúc, chị Thủy đành ngậm ngùi trả tiền mà không khỏi “choáng” với cách làm ăn của cửa hàng này.

 

Nghẹn đắng với phở “bình dân” 70.000 đồng/tô, cơm rang 130.000 đồng/đĩa
Quán ăn tại ngõ 23 Kim Đồng bán phở 70.000 đồng ngày thường khiến nhiều khách hàng bức xúc. Ảnh do chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một nạn nhân bị chặt chém tại đây cung cấp.

 

Vừa đi ra khỏi cửa, một số người xung quanh lắc đầu ngao ngán hỏi chị Thủy “lại bị chặt chém à?” rồi tiếp lời “ở đây nhiều người bị chặt chém quá đáng quá nên đôi co, cãi nhau với chủ quán là chuyện thường xuyên”.

 

Chị Thủy kể: “Có bác xe ôm bảo may là còn ăn phở chứ ăn cơm rang, phở xào còn bị chém đẹp hơn, có khi tới 130.000 – 150.000 đồng/đĩa”. Nghe vậy, chị Thủy càng thêm bức xúc và cạch mặt quán đến già!

 

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hằng (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) còn thảm hơn khi phải trả tới 130.000 đồng cho một đĩa cơm rang và cốc trà đá. Từ quê xuống bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, lúc đi sáng sớm nên chị Hằng không kịp ăn gì, đến Hà Nội chị bị tụt huyết áp vì đói quá nên rẽ vội vào quán ăn ngay cổng sau của bến xe Giáp Bát. Chị gọi đĩa cơm rang bò và cốc trà đá nhỏ nhưng phải trả tới 130.000 đồng, trong đó cơm rang giá 110.000 đồng và trà đá 20.000 đồng.

 

“Nói thật đồ ăn quá bình thường, không gian cũng tồi tàn bụi bẩn mà giá quá đắt. Với giá này tôi mua được 10 bát phở như vậy ở quê tôi”, chị Hằng bức xúc.

 

Việc các quán ăn cạnh bến xe, ga tàu…chặt chém du khách đã có từ lâu với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn rất đông người dân từ các vùng quê ra HN trở thành nạn nhân của các chiêu trò làm ăn của các cửa hàng này, đến mức từ nhiều năm nay, đồ ăn tại các bến xe khách Mỹ Đình, Giáp Bát đã trở thành nỗi khiếp sợ của bao nhiêu người.

 

Theo khảo sát, giá các đồ ăn tại các bến xe, ga tàu thường cao hơn từ 30 – 50% so với các cửa hàng khác. Cá biệt, có nhiều cửa hàng còn không thương tiếc bán đắt gấp 5 – 6 lần so với giá thường. Riêng về mặt hàng nước uống, trà đá, nhân trần có giá 10.000 – 20.000 đồng/cốc, chai nước ngọt sting có giá 20.000 – 25.000 đồng/chai, các loại nước ngọt khác cũng bán giá đắt gấp đôi, gấp 3. Đồ ăn tại các bến xe thường là các đồ ăn nhanh: phở, bún, cơm rang, miến, bánh mì, cơm bình dân…chính vì vậy việc tính tiền rất vô cùng, nhiều chủ hàng nhìn mặt khách tính tiền nên giá cả của các hàng quán này thường không cố định

 

Điều đặc biệt, các chủ quán này tỏ ra khá bất cần theo kiểu “ăn rồi thì trả tiền lần sau có quay lại hay không cũng không cần biết” khi khách hàng thắc mắc về giá quá đắt.

 

Hội chứng sợ bến xe, ga tàu: Đói không dám ăn, khát không dám uống

 

“Tôi không bao giờ ăn đồ ăn ở bến xe vì không đảm bảo an toàn vệ sinh mà tránh khỏi được việc nuốt phải cục tức vì bị chặt chém”, Chị Thanh Huyền (Thiệu Sơn, Thanh Hóa) bộc bạch.

 

Chị kể, tháng 1/2014 chị và hai con nhỏ đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai. Đến bến xe hai đứa nhỏ liên tục kêu đói và đòi ăn phở bò. Biết sẽ bị chặt chém nhưng đành nhắm mắt cho tụi nhỏ vào quán ăn tạm. Ba mẹ con 3 bát phở bò và một chai nước sting dâu mà bị chủ quán tính lên tới 320.000 đồng, trong đó 300.000 đồng/3 bát phở, 20.000 đồng/sting dâu.

 

Chị Huyền cho hay: “Thật quá bức xúc, bức xúc không chịu được, đành rằng đồ ăn ngon giá đắt còn chấp nhận được đằng này không biết họ chế biến kiểu gì mà đến chiều cả ba mẹ con vừa vật vã chờ khám vừa bị tiêu chảy”.

 

Ngay sau lần đó chị Huyền tự nhắc mình và quán triệt các con dù có đói cũng không được ăn, khát cũng không được uống bất cứ gì ở bến xe, cổng bệnh viện.

 

Chị Huyền cho biết thêm, đợt Tết vừa rồi anh bạn cùng cơ quan là người Mỹ đi du lịch ở Quảng Bình đến mùng 4 Tết mới trở lại Hà Nội, vừa xuống bến xe Giáp Bát đói quá nên anh chạy vội vào quán bún chả ăn tạm thì phải trả tới 150.000 đồng/suất. Sau lần đó, dù có gấp thế nào anh bạn đó vẫn nói không với ăn đồ ăn tại các bến xe, ga tàu mặc dù là một tín đồ của du lịch bụi.

 

Tại các diễn đàn, mạng xã hội,…cũng đang huy động các thành viên lập “danh sách đen” các quán ăn, uống tại các bến xe, ga tàu để cảnh báo các địa chỉ chặt chém, phục vụ kém, đồ không ngon… Các danh sách đen, cuốn sổ đen này đã bắt đầu phát huy tác dụng khi nó kịp thời cảnh báo tới đông đảo cộng đồng dựa trên cảm nhận của các thành viên đã từng là nạn nhân của các chiêu trò kinh doanh “bẩn” của các hàng quán tại các bến xe, ga tàu ngay tại Hà Nội.

 

Bên cạnh việc giúp nhau nhận diện các quán ăn uống chặt chém quá đáng thì các thành viên cũng yêu cầu phạt thật nặng các cơ sở vi phạm để răn đe, cảnh báo các cơ sở khác.

 

Hướng Dương
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước