Nghề lạ: Nuôi loài ong kịch độc, thương lái Trung Quốc lùng mua
Ong vò vẽ từng là nỗi khiếp đảm của nhiều người thì nay được nuôi ngay tại vườn nhà, mang lại thu nhập cao. Trong khi đó, công nghệ trồng nấm điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh, kiểm soát được thời gian và số lượng nấm mọc.
Anh Nguyễn Đăng Cường (SN 1999, Yên Thành, Nghệ An) cho biết trên báo Dân Việt, trước đây, người dân thường lấy nhộng để làm thức ăn hàng ngày và bán cho một số hộ dân tại địa phương nhưng gần đây, thương lái Trung Quốc bắt đầu tìm mua với giá cao khiến người dân đổ xô đi bắt. Người đi bắt ngày càng nhiều mà ong trên rừng ngày một ít khiến anh Cường nảy ra sáng kiến tìm bắt những tổ ong vò vẽ còn nhỏ mang về treo nuôi ở vườn nhà lấy “thịt”.
Đến mùa thu hoạch, thương lái tìm mua tận nhà, có bao nhiêu cũng hết. Nếu bán cả tổ thì họ mua với giá từ 160-220.000 đồng/kg, nếu tách lấy nhộng bán giá từ 350.000-500.000 đồng/kg. Với số lượng khoảng 150 tổ, dự kiến mùa ong năm nay anh Cường thu về trên 50 triệu đồng.
Lạ mà hay: Ngồi một chỗ 'điều khiển' nấm mọc theo ý muốn
Mô hình trồng nấm bào ngư công nghệ cao do anh Lê Huỳnh Kha Luân (31 tuổi, ở Bình Định) cùng nhóm bạn được khởi xướng cách đây 2 năm. Chia sẻ về cơ duyên thực hiện mô hình này, anh Luân nói: "Chúng tôi có một người bạn từng đầu tư xây dựng nhà trồng nấm, nhưng làm theo kiểu người dân mình làm thông thường phụ thuộc vào thời tiết nên liên tiếp thất bại... ".
Vì vậy, nhóm thực hiện mô hình trồng nấm áp dụng công nghệ tự động, tất cả quá trình từ kiểm soát, chăm sóc chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh.
Đặc biệt, công nghệ trồng nấm bào ngư 4.0 điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh còn kiểm soát được thời gian và số lượng nấm mọc theo đơn đặt hàng... Thành công của mô hình góp phần hình thành chuỗi liên kết, mở ra hướng làm ăn mới cho người nông dân ở địa phương.
Kỳ lạ món ăn độn thời bao cấp thành đặc sản ở Hà Nội
Xôi là món ăn sáng quen thuộc, có ở khắp các cung đường của Hà Nội. Nhưng nhắc đến xôi sắn thì “hiếm” có bởi còn rất ít người bán món ăn huyền thoại của thời bao cấp này.
Quán xôi sắn của ông bà Trần Ngọc Luân - Lê Thị Kim (Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) là một trong những hàng hiếm hoi còn bán món ăn “xưa cũ” này ở Hà Nội. Bất kể nắng hay mưa, 2h chiều hàng ngày, hai ông bà chủ tuổi đã ngoài 70 tuổi lại đẩy xe hàng gồm chõ xôi và các đồ ăn kèm ra đầu ngõ ngồi bán. Thói quen này hai ông bà duy trì được hơn 20 năm. Chỉ sau 3-4 tiếng, 30kg xôi sắn đã hết bay. Mỗi suất xôi có giá từ 15.000-20.000 đồng.
Độc đáo bánh mì mang màu sắc quốc kỳ Việt Nam
Gần đây, những ổ bánh mì màu đỏ in hình sao vàng - quốc kỳ của Việt Nam đang khiến các tín đồ ăn vặt đất Hà thành lùng mua. Bánh mì cờ đỏ sao vàng là một kiểu biến tấu của bánh mì thanh long, được chủ quán đặt tên "bánh mì yêu Tổ quốc" làm không ít người tò mò về hương vị. Bánh mì không giá 4.000 đồng/ổ còn bánh mì đủ loại nhân đồng giá 15.000 đồng/ổ.
Chủ quán cho hay, nguồn cảm hứng để làm nên món ăn này chính là nhờ tình yêu nước, mong muốn giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Ngoài ra, anh còn muốn mang lại một diện mạo mới mẻ, đầy tính dân tộc cho bánh mì Việt Nam, tạo nên sự mới lạ cho ẩm thực nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế.
Tương tự bánh mì thanh long, thợ làm bánh trộn thêm thanh long ruột đỏ và nước củ dền vào bột bánh mì tạo màu tự nhiên. Riêng ngôi sao vàng được làm từ bột mì, trộn với men tươi, chút muối và bột nghệ.
Bắt được con cá trê to lạ, dài 1m, nặng 8kg
Báo Dân Việt thông tin, một nông dân ở TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang trong lúc bơm nước ruộng đã bắt được con cá trê to lạ, mồm rất nhiều râu. Con cá trê to lạ này dài 1m, nặng hơn 8kg.
Những ngày qua, khi hay tin ông Thành bắt được con cá trê khủng, nhiều người dân hiếu kỳ đã đến xem và chụp ảnh với con cá trê khủng nhiều râu này. Nhiều người đến xem đều cho rằng, chưa thấy con cá trê nào to mà nhiều râu dài như thế... Theo người dân địa phương, thông thường cá trê có trọng lượng trung bình từ 1-2kg, lớn lắm nặng khoảng 4kg, nhưng hơn 8kg thì hiếm.
Chàng trai chi 300 triệu trang trí nhà bằng 50 loại cây độc lạ
Anh Nguyễn Quang Tâm (TP.HCM) mới chia sẻ trong một nhóm mạng xã hội dành cho những tín đồ “nghiện” nhà về công trình tràn ngập cây xanh của mình và nhận được hàng nghìn lượt tương tác. Ngôi nhà của anh Tâm rộng 40m2, tổng diện tích các mặt sàn là 175m2.
Coi cây cối giống như đồ trang trí nội thất, anh Tâm đã chi khoảng 300 triệu đồng để mua 50 loại kiểng lá từ nhiều đất nước khác nhau và bài trí khéo léo thành “khu vườn” trong nhà. Không chỉ điểm tô cho không gian sống mà cây xanh còn giúp thanh lọc không khí, tạo cảm giác dễ chịu, thư thái.
Sanh cổ hình “thuyền rồng”, cây sanh ký đá kỳ vĩ nhất Việt Nam
Tại triển lãm cây cảnh diễn ra ở Bắc Ninh, những người yêu cây khi đến tham quan đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cây sanh cổ hình “thuyền rồng” của anh Nguyễn Siển (Kinh Môn, Hải Dương). Cây nhìn như một chiếc thuyền rồng, hài hòa và cân đối từ gốc lên đến tay cành và bông tán. Anh Siển cho biết: “Đây là một trong những tác phẩm anh yêu quý nhất trong khuôn viên vườn và là một trong những cây thuộc tốp đầu ở Việt Nam”.
Cũng tại triển lãm cây cảnh tỉnh Bắc Ninh, cây sanh có tên “Phù Đổng Thiên Vương” của ông Nguyễn Trọng Trường (Hải Dương) khiến giới chơi cây được ngắm lại một "huyền thoại" độc đáo trong làng cây Việt Nam.
Theo chủ nhân, đây là tác phẩm kết hợp giữa cây và đá hay còn gọi là “mộc thạch tương sinh” đẹp nhất Việt Nam. Từng rễ cây bám vào đá rất uyển chuyển, ăn ý với khối đá, khiến cho tác phẩm không đụng hàng với bất kỳ tác phẩm nào.
Trong khi đó, cây sanh cổ “Cửu long tọa sơn” của anh Trần Xuân Lộc (TP. Bắc Ninh) được giới chơi cây cảnh yêu thích không chỉ bởi dáng thế mà chậu đặt cây cũng rất độc đáo. Theo nghệ nhân Hùng Xiếc, cây sanh này lôi cuốn bởi hình thế bố cục, ngôn ngữ tạo hình công phu nhưng nhìn rất tự nhiên, không giống bất cứ một cây sanh nào ở Việt Nam. Chủ nhân cây sanh cho biết đã có người trả 3 tỷ đồng nhưng anh không muốn bán.