1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghề lạ: Dắt chó thuê, đọc sách mướn

Trông chó, đọc sách, vỗ tay thuê, làm mẫu... nhiều bạn trẻ đã kiếm công việc để tăng thêm thu nhập trong điều kiện khó khăn.

Nhẹ nhàng kiếm thêm

13h30 chiều, sau giờ nghỉ trưa, Ngọc Anh (sinh viên trường Đại học Kinh doanh công nghệ) bắt tuyến xe buýt 24 từ phố Đại La để sang Cầu Giấy. Chiều nay, Ngọc Anh sẽ đọc sách cho một cụ bà.

Gõ cửa ngôi nhà 3 tầng cũ nằm trong ngõ nhỏ đầu đường Bưởi, một cụ bà trạc 70 tuổi ra mở cửa cho cô. Sau quá trình giới thiệu qua, Ngọc Anh bắt tay vào công việc của mình. Theo yêu cầu của bà, Ngọc Anh sẽ đọc truyện Kiều của Nguyễn Du.

Để nhập tâm và đọc được truyện hay, Ngọc Anh đã phải tắt điện thoại, giọng đọc trầm bổng phù hợp với từng đoạn truyện. Có những lúc chưa nghe rõ, bà lại hỏi lại hoặc dừng lại thảo luận về nội dung câu chuyện. “Mình không biết ngâm Kiều, chỉ biết đọc diễn cảm thôi. Bà thỉnh thoảng lại hỏi xem mình hiểu đoạn thơ đó thế nào, rồi bà giảng nghĩa cho. Là người Hà Nội chính gốc nên bà cư xử rất nhẹ nhàng và tâm lý. Một tháng mình sẽ đến đọc truyện cho bà khoảng 5 - 6 lần”, Ngọc Anh cho hay.
 
Chia sẻ về công việc lạ của mình, Ngọc Anh nói: Mình nhận đọc sách thuê từ năm thứ 2 học cao đẳng, do một người bạn giới thiệu. Lúc đầu nghe nói về công việc này mình thấy rất lạ và không nghĩ là có người lại bỏ tiền ra thuê người đọc sách.

Mục đích ban đầu của mình là muốn kiếm việc gì đó làm thêm ngoài giờ học để có thêm tiền chi tiêu và học thêm tin học. Mình lại rất mê đọc sách, truyện nên đã nhận lời. Có những tháng làm việc chăm chỉ, đều đặn, thu nhập của mình cũng được gần 2 triệu đồng/tháng. Mỗi giờ đọc được trả 40 – 50.000 đồng. Hiện tại, trên facebook còn có nhóm các bạn trẻ cùng nhau mở dịch vụ đọc sách, truyện thuê.

Mỗi tháng thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng là công việc mà Hồng Hạnh (Quảng Bá, Tây Hồ) đang làm hiện nay. Buổi sáng, 6h kém, Hạnh phải dậy đi chợ mua thức ăn và làm đồ ăn. Sau đó cô mang đồ ăn đến cho khách hàng của mình. Đó là một chú chó Pug (từng là loài chó chính thức của Hoàng gia Hà Lan).
 
Nghề lạ: Dắt chó thuê, đọc sách mướn

Hạnh tâm sự: “Chủ của Pug là người Hà Lan sang đây làm ăn. Ông ấy mang theo con chó sang vì thế nên chăm sóc nó rất chu đáo. Mỗi tháng, mình được nhận 5 triệu đồng chỉ làm vào buổi sáng từ 6 - 9h sáng bao gồm chuẩn bị đồ ăn uống, cho chó đi dạo, chải lông sạch cho nó và kiểm tra sức khỏe cho nó”.

Không chỉ trông chó Pug, Hạnh còn trông thêm một con chó khác ở Đào Tấn, Ba Đình từ 3 – 6h giờ chiều. Với công việc tương tự như trông Pug, Hạnh được vợ chồng người Nhật Bản trả cho 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vào các dịp lễ tết, Hạnh còn nhận trông chó tại nhà cho các gia đình đi du lịch hoặc về quê ăn tết. Theo Hạnh, trông chó đòi hỏi phải có kỹ thuật, dạy chó đi vệ sinh thế nào? Ăn uống ra sao để giữ cho chó khỏe mạnh, lông mềm, mượt...

7h sáng, Xuân Nam (sinh viên trường Đại học Thương mại Hà Nội) vội vàng bắt xe buýt từ Mai Dịch lên Kim Mã để làm mẫu tóc trong buổi thi lấy chứng chỉ của nhóm thợ cắt tóc. Công việc của Nam rất đơn giản đó là ngồi trước gương để cho thợ cắt tóc. Chỉ mất khoảng 40 phút, Nam có thể nhận được từ 200 – 500.000 đồng.

Vui buồn khó nói

Ngọc Anh bộc bạch, cô cảm thấy thú vị khi đi đọc sách, đọc truyện thuê bởi thông qua việc này, cô được tăng thêm kiến thức, hiểu biết và đặc biệt tăng thu nhập. Thế nhưng nghề nào cũng có những lúc bạc.

“Có lần mình bị khách mắng rồi đuổi về vì lý do "đọc tiểu thuyết gì mà vừa bé vừa không diễn cảm". Vậy là tiền cũng không được nhận mà còn thấy xấu hổ, chán ngán. Có lần mình đọc sách cho một bác trai, nhiều tuổi hơn bố mình. Đang đọc thì ông ấy nắm tay mình, rồi nói mấy lời "gạ gẫm". Mình sợ quá, chẳng cần biết gì nữa, vơ vội túi xách và chạy ngay khỏi đó.

Biết Hạnh nghỉ làm ở một công ty rồi về nhà đi trông chó thuê, bạn bè và nhiều người thân của cô bất ngờ. “Mọi người mắng mình là hâm với tư tưởng có vấn đề. Tốt nghiệp cao đẳng ra trường lại đi trông chó. Có nhiều lần dắt chó đi chơi, có người hỏi thăm và biết là mình trông chó thuê cũng tỏ ra bất ngờ và nhiều người cười bảo “Đầy nghề sao không làm, lại đi làm nghề lạ thế”.

Tuy nhiên, Hạnh cũng cho hay, cô đã từng bị chó cắn vài lần. Và cũng có những chủ nhà tỏ thái độ coi thường cô. “Có lần trông chó 2 tuần cho một một gia đình ở Mỹ Đình để họ đi du lịch. Mình chăm sóc rất cẩn thận. Sau 2 tuần con chó không chỉ tăng cân mà còn rất ngoan. Thế nhưng khi chủ nhà về nhận chó lại mắng mình vì làm con chó của họ “quê” đi. Lúc trả tiền mình, bà chủ nhà vứt tiền trên bàn. Mình cảm thấy bức xúc và nghĩ, với những gia đình kiểu đó, mình sẽ không bao giờ làm nữa”.

Còn sau 4 lần đi làm mẫu tóc thì lần cuối cùng Nam quyết định không bao giờ làm việc này nữa. “Hôm đó, đầu mình bị cắt trông rất đáng sợ. Chưa bao giờ mình để bộ tóc vừa ngắn, vừa lởm chởm như thế. Nhận được tiền công xong, mình chạy ngay ra một quán người quen, cắt thành đầu 3 phân luôn. Và cả tháng đó phải đội mũ lưỡi chai che bộ đầu đáng ghét”, Nam nhớ lại.

Trần Thị Huyền (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đã một lần bị dính “phốt” khi đi làm mẫu mặt. Công việc của Huyền là ngồi để người học trang điểm làm đẹp trên khuôn mặt mình. Nghề này đòi hỏi người có làn da tương đối đẹp, không có mụn. Thế nhưng sau một lần làm mẫu trang điểm mặt Huyền bị nổi đầy mụn vì dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo Châu Giang
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm