Bình Định:
Nghề cũ… hồi sinh
(Dân trí) - Tuy không phải là “thủ phủ” của nghề trồng dâu nuôi tằm như huyện Hoài Ân. Thế nhưng, suốt thời kỳ dài ở những làng quê ven sông Lại: An Đông, Phụ Đức, Trung Lương… (huyện Hoài Nhơn) cuộc sống lao động của bà con nơi đây rộn rã tiếng lách cách thoi đưa…
Âm vang một thời
Theo những bậc cao niên kể lại, chẳng biết từ khi nào, nghề trồng dâu nuôi tằm đã có ở huyện Hoài Nhơn phát triển thịnh vượng. Từ thời Pháp thuộc làng Trung Lương đã có lò ươm tơ, xưởng dệt vải ta, vải tám cung cấp cho bộ đội, người dân vùng kháng chiến.
Sau 5 năm ngày đất nước thống nhất, hàng chục ha đất soi, đất nà bên bờ sông Lại được đánh thức cho những bãi dâu xanh ngút ngát vươn lên. Từ đó những khu nhà nuôi tằm, trạm thu mua kén, xưởng ươm tơ bề thế mọc lên, xã viên, công nhân thi nhau lao động cật lực trên vùng đất chuyên canh dâu tằm. Rồi những lứa tằm ăn rào rào trong những đêm trăng, đến tấp nập thu hoạch mùa kén, mùa tơ. Thế rồi niềm vui ấy chẳng được bao lâu, bởi cách làm ăn tụt dần theo lối “cha chung không ai khóc” dâu lụi, tằm chết vài phen. Tính công, cộng điểm, chia bôi rối như canh hẹ, anh xách túi nhiều hơn anh cúi lưng. Từ đó, ruộng dâu cứ thu hẹp dần, xưởng kéo kén, ươm tơ thành nhà hoang.
Giải thích sự biến mất nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm của địa phương, ông Nguyễn Văn Anh (67 tuổi) nguyên vài chục năm trước, ông là đội trưởng đội trồng dâu nuôi tằm năng nổ nhất của hợp tác xã Bồng Sơn phảng phất nỗi buồn: “Có gì đâu chú, hồi ấy làm ăn tập thể, tệ rong công phóng điểm nó đè ngã con người. Làm lúa có khi giả vờ, ba hạt lép thì cũng có mười hạt chắc. Nhưng nuôi tằm thì không, “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” và phải có tính kiên trì, tỉ mẫn chịu thương, chịu khó “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” mới hợp với nghề tằm tơ…
Ông Anh chia sẻ thêm: “Ban đầu, ai cũng phấn khởi chăm chỉ với nghề nhưng càng về sau việc chia công tính điểm, không sòng phẳng, dẫn đến người nuôi tằm ngày càng thờ ơ tằm nuôi không được chăm sóc chu đáo nên dẫn đến dịch bệnh triền miên sản lượng kén mỗi ngày mỗi thấp, thị trường giá tơ liên tục giảm mạnh, chi phí của nghề trồng dâu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập nên người dân dần dứt áo với cái nghề “ăn cơm đứng” này”.
Ông Nguyễn Thông (85 tuổi ở thôn Anh Đông), người có tiếng một thời ăn nên làm ra từ nghề trồng dâu, nuôi tằm kể lại: “Thời điểm năm 2000 trở về trước, chỉ 5 sào dâu thôi, năm nào tôi cũng ươm được 9, 10 lứa tằm, mà hồi đó đa số bà con chỉ dùng giống dâu truyền thống: dâu bầu, dâu đen, dâu sẻ để nuôi tằm, cho dù sản lượng không cao, nhưng không bị nhiễm bệnh, chất lượng kén chắc như cua gạch, thu nhập hàng năm khá ổn định. Sau này, bà con toàn dùng giống dâu cao sản Trung Quốc, tuy lá nhiều và tốt hơn, chu kỳ nuôi cũng tăng lên gấp hai lần nhưng thường xuyên bị nhiều loại dịch bệnh gây hại chất lượng kén. Thu nhập hàng lứa của người nuôi tằm không ổn định, phần thì giá kén, liên tục biến động, phần thì bị dịch bệnh hoành hành khiến cho nghề trồng dâu, nuôi tằm của gia đình Tôi nói riêng, cũng như nhiều bà con khác ở địa phương không còn mặn mà như trước, cuối cùng rồi cũng đành phải dẹp bỏ”.
Nghề cũ… hồi sinh
Mặc dù người dân xã An Hảo Đông (huyện Hoài Ân) mới tiếp cận nghề trồng dâu nuôi tằm khoảng hơn 15 năm trở lại đây. Thế nhưng từng phải nếm trải nhiều phen gian truân với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm như ở Ân Thạnh, Bồng Sơn trước đó. Nhất là thời điểm từ 2008-2010, người nuôi tằm ở Ân Hảo Đông đắng lòng bởi trước hàng chục hécta dâu đang phát triển xanh tốt, bổng dưng gục ngã trước căn bệnh nấm trắng, cháy lá mà không phương cứu chữa, đành phải chặt bỏ, đốt, tiêu hủy mầm bệnh hao tổn không biết bao nhiêu tiền của, công sức của người dân.
Chị Nguyễn Thị Thiếp ở thôn Phước Bình nhớ lại: “Đầu vụ xuân năm 2009, gia đình tôi nuôi một hộp trứng, tằm đã ở tuổi 4, cả thảy 24 nong trên hai khung đuổi. Bình quân mỗi nong tằm lứa tuổi này khoảng 7 đến 8 ký, đang thời kỳ ăn mạnh nên tằm con phát triển sởn sơ chỉ còn hơn một nước ăn nữa là tằm lên bủa nhã tơ, hứa hẹn cho một vụ bội thu lớn đầu mùa. Rồi “đùng” một cái, dâu nhiễm bệnh hàng loạt, bà con chạy đôn, chạy đáo mua lá dâu, tìm thuốc đặc trị cứu tằm mà tằm vẫn lăn như ngã rạ. Vợ chồng đành ngậm ngùi gánh cả trăm ký tằm vào núi tiêu hủy để tránh dịch bệnh ảnh hưởng sau này”.
Ông Đặng Thành Giáo, Chủ tịch Hội nông dân xã tâm sự: “Sau thời điểm đó, bà con như đang ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan” từ bỏ nghề thì lấy đâu ra tiền để chi phí hàng ngày, hoàn trả các khoản vay ban đầu cho việc đầu tư thuê đất, làm đất, mua giống dâu, thuê công trồng, mua sắm những vật dụng hành nghề như: máy bơm nước, nong, đuổi, né…
Giờ đây dọc ven sông An Lão, qua các thôn: Phước Bình, Bình Hòa Bắc, Hội Long, Cảm Đức… người dân ở đây đã khai thác và tận dụng hết những bãi bồi ven sông để trồng dâu nuôi tằm.
Cũng theo ông Đặng Thành Giáo cho biết thêm, qua thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện nay toàn xã có trên 80 hécta dâu trồng, trên 100 hộ trực tiếp nuôi tằm. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các thôn Cảm Đức, Bình Hòa Nam, Hội Trung… lượng kén thu, xuất bán từng đợt của bà con trong xã ước khoảng 3,5 đến 4 tấn. Đó là chưa kể đến số lượng “kín” của một số bà con khác có diện tích dâu trồng nhiều đã tranh thủ nuôi theo cách gối đầu nên có tớ bán liên tục. Chỉ riêng trồng dâu nuôi tằm ( thời điểm chính vụ) của bà con trong xã thu về hàng tháng từ 300 đến 400 triệu đồng, gấp 5, 6 lần so với các loại cây trồng khác.
Anh Lê Đức Biết (41 tuổi) một trong số hàng chục hộ nuôi tằm ở thôn Cảm Đức thành công nhất với nghề nuôi tằm, anh Biết chia sẻ: “Với 15 năm trong nghề, mỗi năm tôi nuôi ít nhất là 14 lứa, (chu kỳ nuôi mỗi lứa tằm từ 20 đến 23 ngày là thu hoạch) nhưng hầu như chưa bao giờ bị hư và lứa nào cũng đạt từ 45 đến 50 kg kén/ hộp trứng. Riêng năm nay, gia đình tôi đã bán gần 1.300 kg kén với giá dao động từ 105 – 110 ngàn đồng/ ký, thu về gần 150 triệu đồng”.
Thế nhưng, thành công nhất vẫn là gia đình ông Quý Sách ở khối Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), chủ cơ sở mua bán, kinh doanh tơ tằm. Hiện xưởng ươm tơ của ông Quý Sách đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động và thu mua toàn bộ kén, tằm của bà con nông dân các xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Nghĩa và một số địa phương lân cận khác như Hoài Mỹ ( Hoài Nhơn), An Hòa (An Lão) nên bà con không lo bị đọng hàng, rất yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.
Vẫn còn đó khó khăn
Đề cập về chiến lược quy hoạch phát triển vùng dâu, nghề trồng dâu nuôi tằm của huyện theo hướng chuyên môn hóa, ông Nguyễn Ngọc Tề - Trưởng Phòng NNPT NT huyện Hoài Ân cho biết: "Trong 3 năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở An Hảo Đông phát triển mạnh trở lại. Do đó, Huyện đang xây dựng đề án phát triển và nhân rộng nghề trồng dâu nuôi tằm ra các xã Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín…Nếu như đề án thành công huyện sẽ tiếp tục triển khai các bước xây dựng nhà xưởng, tập huấn kỹ thuật ươm tơ, kéo kén cho bà con để nghề này từng bước phát triển theo hướng chuyên môn hóa.”