Ngày mua sắm trực tuyến: Ít hàng Việt, vẫn để "lọt" hàng nhái

(Dân trí) - Website chính thức của chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến 2015" do Bộ Công thương phát động hiện vẫn xuất hiện một số đơn vị đăng ký bán cả các mặt hàng nhái thương hiệu cao cấp với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, một số mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng...

Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday là chương trình Quốc gia của Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, triển khai. Thời gian triển khai ngày mua sắm trực tuyến kéo dài từ 00h00 đến 24h00 ngày Thứ 6 đầu tiên của tháng 12 hàng năm (năm nay là ngày 4/12/2015). 

Đúng 0h00 ngày 4/12, lãnh đạo Bộ Công thương đã chính thức bấm nút khai trương phát động Online Friday 2015, sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất hàng năm chỉ diễn ra trong 24 giờ của ngày 4/12/2015. (Ảnh: Công Quang)
Đúng 0h00 ngày 4/12, lãnh đạo Bộ Công thương đã chính thức bấm nút khai trương phát động Online Friday 2015, sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất hàng năm chỉ diễn ra trong 24 giờ của ngày 4/12/2015. (Ảnh: Công Quang)

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công Thương), Online Friday 2015 có sự tham gia của khoảng 2.000 doanh nghiệp thương mại điện tử trên toàn quốc, với hơn 63.500 đầu sản phẩm khuyến mãi, dự kiến sẽ mang lại doanh thu 25 triệu USD trong năm nay, gấp 3 lần so với năm 2014.

Thực tế theo khảo sát của PV Dân trí, nhìn chung, hàng hoá năm nay được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều đơn vị uy tín hơn so với lần đầu tiên được tổ chức. Tuy nhiên, tương tự như năm ngoái, một điểm dễ nhận thấy là các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng ít hơn so với các sản phẩm gắn mác “ngoại” có xuất xứ từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Mỹ…

Hàng gắn mác ngoại vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn so với hàng Việt.
Hàng gắn mác ngoại vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn so với hàng Việt.

Trong số đó, nhiều mặt hàng chỉ ghi chung chung “hàng nhập cao cấp” mà không ghi cụ thể nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thậm chí có  sản phẩm, chủ yếu là hàng thời trang, gia dụng, còn không có thông tin nào liên quan tới xuất xử sản phẩm.

Một số mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng.
Một số mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng.
Chương trình vẫn để lọt những sản phẩm gắn mác thương hiệu cao cấp nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái với giá trị thấp.
Chương trình vẫn để lọt những sản phẩm gắn mác thương hiệu cao cấp nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái với giá trị thấp.

Mặt khác, đầu giờ sáng nay, website chương trình bất ngờ không truy cập được trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Tuy nhiên, theo lý giải của Ban Tổ chức, nguyên nhân là do lượng truy cập tăng đột biến, gấp 10 lần so với dự kiến nên đã dẫn tới sự cố trên. 


Do lượng truy cập tăng đột biến, website chương trình bất ngờ không vào được vào đầu giờ sáng nay.

Do lượng truy cập tăng đột biến, website chương trình bất ngờ không vào được vào đầu giờ sáng nay.

Đây cũng là năm đầu tiên, chương trình sử dụng ứng dụng so sánh giá để hạn chế khuyến mại không thực chất và loại bỏ câu chuyện nhà sản xuất hoặc đơn vị bán hàng tăng giá trước, sau đó đưa ra mức giảm hoặc khuyến mại sốc trong Ngày mua sắm trực tuyến để “đánh lừa” người mua sẽ hoàn toàn được kiểm soát khách quan và công khai. Tuy nhiên, theo phản ánh của người mua vào sáng nay, qua công cụ so sánh giá cho thấy, có sản phẩm có giá khuyến mại thấp hơn nhiều lần giá niêm yết nhưng vẫn cao hơn so với giá thị trường.

Qua công cụ so sánh giá cho thấy, một sản phẩm có giá sau khi giảm cao hơn khoảng 25% so với giá thị trường.
Qua công cụ so sánh giá cho thấy, một sản phẩm có giá sau khi giảm cao hơn khoảng 25% so với giá thị trường.

Theo đại diện VECITA, hơn 60.000 sản phẩm đều được Ban tổ chức kiểm soát về mặt thông tin đăng ký trước khi đưa lên website, tuy nhiên, liên quan tới nguồn gốc, chất lượng sản phẩm các doanh nghiệp tham gia phải hoàn toàn chịu trách nhiệm?!

Phương Dung - Công Quang

Ngày mua sắm trực tuyến: Ít hàng Việt, vẫn để "lọt" hàng nhái - 7