1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngày mai, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp Nhà nước

Văn Hưng

(Dân trí) - Đối thoại diễn ra ngày 24/3, dự kiến sẽ bàn 2 nội dung lớn liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước.

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang gặp phải vướng mắc gì, động lực, giải pháp nào để khơi thông nguồn lực sẵn có và tương đối dồi dào của khối doanh nghiệp này là hai nội dung lớn sẽ được bàn luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DNNN diễn ra vào ngày 24/3. Hội nghị có chủ đề trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đánh giá hội nghị sẽ là "bước đệm" để tạo nên nhận thức mới, khí thế mới trong khu vực DNNN.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nêu vấn đề tại sao những khu vực kinh tế khác nguồn lực ít hơn mà vẫn vận hành và phát triển, còn khu vực DNNN nguồn lực lớn, bộ máy, con người, quy định pháp lý có sẵn, mà sức ì lớn, vận hành nhiều hạn chế. Ông Tiến kỳ vọng nội dung này cũng sẽ được "mổ xẻ", phân tích và bàn luận kỹ càng trong hội nghị.

Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nguồn lực của khối DNNN còn nhiều. Trong đó, đáng chú ý là dư địa vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ. Ngoài ra, doanh nghiệp có khả năng huy động vốn nhưng không huy động mà thường vay ngân hàng hoặc trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Ngày mai, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp Nhà nước - 1

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính (Ảnh: VGP).

Về thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp). Như vậy, tiến trình cổ phần hóa chậm, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa bảo đảm tính kịp thời, còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế. Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch.

Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với DNNN là cơ hội để "xốc lại" tinh thần tái cơ cấu trong DNNN, nhằm đẩy "cỗ xe" DNNN lăn bánh, chuyển động nhanh và đầy sức sống như các thành phần kinh tế khác.

Những định hướng, giải pháp được bàn luận, góp ý trong "Hội nghị Diên Hồng" nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Về chỉ tiêu chủ yếu tái cơ cấu DNNN đến năm 2025, phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng.

Hiện nay, nếu không tính các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, nước ta có 94 DNNN quy mô lớn. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn - Tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.