1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngày ăn mối, tối leo cây: Đặc phẩm tiến vua trăm năm tuổi vùng 'đất lửa'

Tương truyền là món ăn tiến vua, gà Cùa - đặc sản trăm năm thơm ngon nức tiếng ở vùng "đất lửa" - được bà con nông dân Quảng Trị tính chuyện làm ăn lớn để xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc đưa ra thị trường tiêu thụ.

Món ăn tiến Vua thơm ngon nức tiếng
 

Đường từ ngã ba quốc lộ 9 vào xứ Cùa (Cạm Lô, Quảng Trị) giờ được ví như dải lụa vắt ngang qua đèo, qua núi. Cùa ngày nay trở thành xứ sở đất đỏ bazan trù phú với những rừng cao su, đồi chè, vườn tiêu,... quanh năm xanh tốt.

Dưới những tán cây đặc sản ở vùng đất đỏ này, không thể không nhắc đến loại đặc sản hàng trăm năm, đó chính là gà Cùa. Đây là loại gà đặc sản với đặc điểm "ngày ăn mối, tối ngủ cây" để cho ra thứ thịt ngọt thơm đặc biệt, săn chắc mà không dai, béo mà không ngậy.

Đằng sau hương vị thơm ngon nức tiếng này, người dân nơi đây còn truyền nhau câu chuyện về gà Cùa từng là sản vật để tiến vua Hàm Nghi.

 
Ngày ăn mối, tối leo cây: Đặc phẩm tiến vua trăm năm tuổi vùng đất lửa - 1
Gà Cùa - đặc sản thơm ngon nổi tiếng ở Quảng Trị

Tương truyền, hơn 130 năm trước, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn kéo dài, dưới sự chỉ đạo của các vị quan triều Nguyễn, đứng đầu phái chủ trương đánh Pháp gồm Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Lệ, Đặng Duy Cát, hàng ngàn binh lính và người dân từ các địa phương được huy động tập trung về Tân Sở (xã Cam Chính ngày nay) ngày đêm xây thành Tân Sở. Thành được khởi công từ năm 1883, năm 1885 cơ bản hoàn thành.

Trong thời gian này, món gà Cùa đã nức tiếng. Thế nhưng phải đến sau sự kiện binh biến đêm 4/7/1885 tại Kinh thành Huế, do phái chủ trương đánh Pháp tiến hành bị thất bại, đại thần Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng ra thành Tân Sở thực hiện kế hoạch kháng chiến theo những dự tính từ trước, thì món gà Cùa mới trở thành món ăn tiến vua.

Mọi người truyền tai nhau rằng, khi vua cùng đoàn vừa ra đến Tân Sở, dân làng dâng lên các quan món đặc sản, trong đó có gà Cùa hấp và hầm cháo hạt sen. Từ đó, gà Cùa trở thành món ăn có mặt trong các bữa ăn hàng ngày của vua Hàm Nghi và các quan.

Những ngày kháng chiến, vua Hàm Nghi luôn nhắc các đại thần, sau này sơn hà được bình yên, hãy nhớ nuôi dưỡng gà Cùa thành sản vật của tổ tiên. Từ đó đến nay, gà Cùa ở xứ đất đỏ bazan này trở thành vật nuôi quen thuộc của người dân.

 
Ngày ăn mối, tối leo cây: Đặc phẩm tiến vua trăm năm tuổi vùng đất lửa - 2
Trước kia, gà Cùa từng là sản phẩm để tiến vua

Ông Đoàn Trần Anh Minh - Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị - cho biết, người dân bản địa nơi đây không ai không biết về câu chuyện gà Cùa tiến vua.

"Còn về nguồn gốc gà Cùa thì không ai biết chính xác. Có người nói chúng vốn là giống gà rừng được người dân thuần hóa, người lại kể chúng được lai giữa gà ri và gà rừng", ông Minh nói. Song đến thời điểm này, người dân vẫn giữ phương thức nuôi thả tự nhiên, điều kiện địa hình khí hậu thổ nhưỡng và thức ăn là những loại côn trùng phong phú, khoáng chất trong đất là những yếu tố tạo nên chất lượng thịt thơm ngon của gà Cùa.

Gà Cùa không lớn, mỗi con chỉ nặng tầm 1,2-1,3 kg, mình thon dài, chân cao, móng sắc nhọn; mỏ vàng ươm, nhọn và cong nhẹ; mào ngắn, nhọn, dựng đứng. Con gà vẫn giữ tập tính tự nhiên hoang dã là ngủ trên cây. Thịt gà Cùa đem luộc chấm muối chanh tiêu là chuẩn vị nhất. Khi luộc chín, da gà vàng ươm lại giòn, ăn ngọt thịt, độ dai vừa phải, béo nhưng không ngấy như các loại gà khác, ông chia sẻ.

Nuôi quy mô lớn để làm chuỗi liên kết

Theo ông Minh, gà Cùa là một đặc sản có giá trị kinh tế cao, được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Dù đã hình thành tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gà, giúp người dân xứ Cùa có thu nhập ổn định, song quy mô chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ. Đây cũng là lý do gà Cùa được lùng mua, người dân ở các vùng khác rất khó có cơ hội thưởng thức.

 
Ngày ăn mối, tối leo cây: Đặc phẩm tiến vua trăm năm tuổi vùng đất lửa - 3
Loại gà này giờ được nuôi theo quy mô lớn tại xứ Cùa, đem lại thu nhập cao cho nông dân

Là người tham gia chuỗi sản xuất gà Cùa đầu tiên tại xã Cam Nghĩa (Cam Lộ), anh Phạm Hữu Phương thừa nhận, ở xứ Cùa (gồm 2 xã là Cam Nghĩa và Cam Chính) gần như nhà nào cũng nuôi loại gà đặc sản này, nhưng phần lớn đều là quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Có nhà nuôi vài chục con, có nhà nuôi 100 con, hộ nuôi theo hướng trang trại hiện chưa nhiều. Dân nuôi gà Cùa chủ yếu là để cho gia đình ăn, thừa mới đem ra chợ bán.

Anh Phương kể, trước kia gia đình anh cũng nuôi gà Cùa. Có năm chỉ nuôi vài chục con, có năm nuôi 200-300 con. Mãi đến năm 2017, thấy nhu cầu gà Cùa trên thị trường rất cao, bán lại được giá nên anh quyết định mở rộng quy mô đàn gà. Thay vì nuôi tự phát, anh chọn cách tham gia chuỗi liên kết để đầu ra con gà Cùa được ổn định hơn.

Có 1ha đất trồng cao su, nhà anh tận dụng để nuôi gà Cùa theo phương thức chăn thả tự nhiên, cho chúng chạy nhảy khắp khu vườn. Thức ăn chủ yếu là lúa, bã bia, bã lạc, ngô, cám gạo,... để thịt thơm ngon, săn chắc.

"Mỗi lứa tôi vào khoảng 2.000 con. Gà Cùa được nuôi gối đầu nên mỗi năm trung bình xuất bán 5.000-6.000 con. Họ đến tận nhà bắt gà, không phải đem ra chợ bán", anh khoe.

Anh cho biết, Tết này gà Cùa cực kỳ đắt khách. Anh có 1.000 con xuất chuồng mà không đủ cung cho chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn anh liên kết. Giá bán ngày thường khoảng 100.000 đồng/kg, Tết giá còn tăng lên 110.000 đồng/kg, cao hơn nhiều loại gà thả đồi ở những vùng khác.

 
Ngày ăn mối, tối leo cây: Đặc phẩm tiến vua trăm năm tuổi vùng đất lửa - 4
Là đặc sản có giá trị cao, gà Cùa đã được xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc 

"Gà này trọng lượng khá nhỏ, mỗi con khi xuất bán chỉ đạt 1,2-1,4 kg. Với giá bán đó, một con gà tôi lãi 30.000 đồng, một năm thu 150-200 triệu đồng", anh Phương tiết lộ. Năm nay, anh sẽ tiếp tục tăng đàn để có thu nhập cao hơn.

Ông Đoàn Trần Anh Minh nói thêm, để gà Cùa trở thành sản phẩm đặc trưng có thế mạnh và thương hiệu của địa phương, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã xây dựng mô hình thí điểm chăn nuôi gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị tại các xã Cam Nghĩa, Cam Chính và Cam Thành. Gần 30 hộ gia đình đăng kí tham gia mô hình chăn nuôi gà Cùa, trong đó có hộ nuôi với quy mô 2.000 con mỗi lứa, thậm chí nhiều hơn.

Ví như hộ gia đình anh Vũ Văn Bắc, tổ trưởng tổ hợp tác gà Cùa tại thôn Đoàn Kết (Cam Chính), đang nuôi tới 5.000 con gà trên diện tích 1ha theo phương thức chăn thả tự nhiên. Nhờ đó, một năm anh thu lãi vài trăm triệu đồng từ loại gà đặc sản này.

Các hộ chăn nuôi thành lập tổ hợp tác để có sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nuôi cũng như liên kết về đầu ra sản phẩm. Huyện giúp dân làm hồ sơ truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Đây là bước đầu tiên để đưa gà Cùa vươn ra thị trường lớn, ông Minh cho hay.

"Gà Cùa đã được đăng ký thương hiệu sản phẩm, được chứng nhận VietGAP và huyện Cam Lộ đang đưa gà đặc sản này tham gia chu trình OCOP của tỉnh vào năm 2021", ông chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm