Ngành thuế thời 4.0: Triển khai nhiều ứng dụng, thuận lợi và minh bạch
(Dân trí) - Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nộp thuế không phải tập trung đông tại cơ quan thuế. Điều này có ý nghĩa không nhỏ trong trong trong việc tránh được nguy cơ lây lan bệnh dịch thời điểm dịch bệnh Covid 19 phức tạp như hiện nay.
Ngành thuế thời 4.0: Không cần xếp hàng, đỡ lo dịch Covid - 19
Cuộc cách mạng 4.0, được cho là làm thay đổi mọi thành phần của nền kinh tế. Người dân giờ đây chỉ với chiếc smartphone có thể mua sắm và giải quyết được nhiều công việc. Vậy làm thế nào để việc thực hiện các thủ tục hành chính công cũng được thao tác tiện lợi như vậy?
Những năm vừa qua, người ta nhận thấy sự nỗ lực không nhỏ từ Chính phủ, đến các cấp ngành trong việc cải thiện thủ tục, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để trả lời câu hỏi này, trong đó có ngành thuế.
Không chỉ phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kê khai, nộp thuế, nhắc nợ đối với tổ chức (doanh nghiệp), Tổng cục Thuế cũng đang đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến người nộp thuế là cá nhân.
Từ 2017 đến nay, Tổng cục Thuế đã triển khai khai điện tử với cá nhân cho thuê nhà. Theo đó, người nộp thuế dùng mã xác thực OTP được gửi qua tin nhắn để xác thực tờ khai gửi đến cơ quan thuế. Việc triển khai đã tạo thuận lợi tốt và nhận được những phản ánh tích cực từ người nộp thuế trong quá trình kê khai và gửi tờ khai.
Bà Nguyễn Thị Liên - một cá nhân có nhà cho thuê tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây bà phải đến cơ quan thuế để kê khai tờ khai và thực hiện nộp thuế, thì bây giờ bà chỉ cần ngồi ở nhà, truy cập vào ứng dụng của ngành thuế là có thể khai và thực hiện nộp tờ khai thuế.
“Việc triển khai tờ khai cho thuê nhà điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà đã giúp cho người dân đỡ mất thời gian làm thủ tục khai và nộp thuế, giảm chi phí không cần thiết. Không chỉ bản thân tôi, mà rất nhiều cá nhân đang cho thuê nhà như tôi hy vọng, cơ quan thuế tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến cá nhân người nộp thuế” - bà Liên nói.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc người nộp thuế có thể thực hiện các thủ tục kê khai và nộp thuế qua mạng bằng phương thức xác thực mã OTP qua tin nhắn thay vì đứng hàng dài chờ đến lượt càng có ý nghĩa.
Hiện các loại thuế có thể triển khai như khai và nộp LPTB ô tô xe máy, chuyển nhượng bất động sản, thông báo tờ khai lỗi, hoàn thuế … Đặc biệt quyết toán thuế TNCN, hàng năm đến hạn 31/3 người nộp thuế là cá nhân vẫn phải đến trực tiếp cơ quan Thuế để nộp tờ khai gây hiện tượng ùn tắc, quá tải cho cơ quan thuế…
Trong khi đó, với doanh nghiệp thì việc kê khai, nộp thuế được xác thực bằng chữ ký số. Khi người nộp thuế chưa có chữ ký số thì việc cung cấp dịch vụ kê khai, nộp thuế cho cá nhân thông qua xác thực tin nhắn OTP là rất cần thiết.
Không chỉ thế, việc gửi tin nhắn xác thực OTP cũng mang tính chất bảo mật dữ liệu cá nhân cho người nộp thuế khi tin nhắn chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn, được gửi tới số di động của chính người nộp thuế.
“Việc sử dụng SMS để gửi tới người nộp thuế so với việc sử dụng email là hiệu quả hơn. Trong quá trình làm việc, có nhiều cá nhân giải trình lý do không mở/nhận được email, thì việc gửi tin nhắn trực tiếp đến số thuê bao đang sử dụng thường xuyên của cá nhân đó để nhắc nợ/thông báo tình hình nộp hồ sơ sẽ kịp thời, nhanh chóng”, một cán bộ ngành thuế cho biết.
Sẽ tiếp tục cải thiện, mang tới thuận lợi cho người nộp thuế
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, khởi đầu với các ứng dụng quản lý thuế phân tán và gồm nhiều ứng dụng riêng lẻ, ngành thuế đã chuyển hướng sang tập trung hóa, tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ điện tử phục vụ cho người nộp thuế.
Theo vị này, đến năm 2019, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai tích hợp dịch vụ nộp thuế điện tử dành cho doanh nghiệp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đồng thời công bố chuẩn kết nối để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân qua internet banking của các Ngân hàng. Hiện nay có 07 Ngân hàng đã cung cấp dịch vụ này Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank, BIDV, MBBank, TPBank.
Sắp tới, trong quý 1/2020, Tổng cục Thuế sẽ triển khai tích hợp dịch vụ nộp thuế điện tử dành cho cá nhân lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người nộp thuế là cá nhân có thể được nhắc lịch nộp thuế, thông báo việc nộp thuế thành công sau khi hoàn thành thao tác và được cơ quan xác nhận mà không cần truy cập vào Công thông tin để tra cứu.
“Theo kế hoạch trong năm 2020, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai tích hợp 95 thủ tục hành chính về khai thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Khi đó, người nộp thuế chỉ cần đăng nhập một lần tại Cổng dịch vụ công quốc gia là có thể sử dụng các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử của cơ quan thuế”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin.
Bên cạnh đó, Thực hiện chỉ đạo từ Văn phòng Chính Phủ, Tổng cục Thuếphối hợp với Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) – Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) để sớm triển khai thí điểm và mở rộng dịch vụ điện tử khai, nộp lệ phí trước bạ ô tô xe máy trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Hiện nay, các dịch vụ thuế điện tử đã triển khai nêu trên đều đang hoạt động ổn định, tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, nâng cao mức độ hài lòng của người nộp thuế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định.
Theo số liệu do lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, từ dịch vụ công trực tuyến đầu tiên được triển khai năm 2009. Đến nay Tổng cục Thuế đã triển khai trên 182 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, cho phép người nộp thuế trên phạm vi toàn quốc thực hiện khai, nộp, hoàn thuế điện tử; triển khai cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thay thế thủ tục, hồ sơ giấy; nâng cấp Trang thông tin điện tử ngành Thuế.
Đến hết năm 2019, có 99,86% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99,49% số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, 89,77% số doanh nghiệp có hoàn thuế GTGT sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử.
Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính thuế qua mạng internet. Từ đó giảm được các chi phí đi lại, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tiếp nhận hồ sơ thuế, người dân không phải nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước.
Đồng thời theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc thực hiện thủ tục hành chính qua mạng internet cũng giảm thiểu được tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cơ quan thuế, tạo môi trường thực hiện thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, chuyên nghiệp.
“Đặc biệt, việc người nộp thuế không phải tập trung đông tại cơ quan thuế, nhất là vào kỳ cao điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế, nộp báo cáo tài chính đang đến gần (là kỳ cao điểm nhất trong năm) có ý nghĩa không nhỏ trong trong trong việc tránh được nguy cơ lây lan bệnh dịch thời điểm dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp như hiện nay”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh với Dân trí.
Các con số đưa ra trong một số báo cáo gần đây cũng cho thấy mức độ cải thiện từ ngành thuế. Cụ thể, theo "Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019" được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, kết quả đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm, tương đương gần 78%, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm % so với năm 2014. Trong đó, chỉ số tiếp cận thông tin về thuế tăng 0,23 điểm, sự phục vụ của công chức thuế tăng 1,5 điểm, kết quả giải quyết công việc tăng 0,41 điểm…
Thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Dịch vụ thuế điện tử cho người dân, doanh nghiệp; mở rộng kết nối với các ngân hàng, dịch vụ thanh toán trung gian; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong việc cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích cho người nộp thuế. Phấn đấu trong năm 2020, ngành thuế sẽ cung cấp thêm trên Cổng Dịch vụ thuế điện tử trên 60 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4.