Ngành than cần trên 35.000 tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) – Theo quy hoạch, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành than từ nay đến năm 2020 cần trên 35.000 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn được thu xếp từ nguồn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngày 23/2, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020. Theo đó, tổng tài nguyên và trữ lượng than của nước ta đến ngày 1/1/2011 vào khoảng 48,7 tỷ tấn, trong đó than đá chiếm 48,4 tỷ tấn, còn lại là than bùn.
Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng sản xuất và nhu cầu sử dụng thì đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu than và số lượng thiếu hụt cũng tăng dần theo từng năm.
Ước tính của Bộ Công Thương thì đến năm 2015 lượng than nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước vào khoảng 15 triệu tấn, đến 2025 nâng lên là 45 triệu tấn...
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quy hoạch thì đến năm 2020 riêng nhu cầu than cho điện đã lên 77 triệu tấn nhưng sản xuất trong nước chỉ đủ 29 triệu tấn, còn lại là phải nhập. Ngoài ra còn có các ngành khác như xi măng và thép cũng cần phải nhập khẩu.
Để bù đắp những thiếu hụt trong nước, ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng cho hay trong quy hoạch có tính đến việc khai thác bể than đồng bằng sông Hồng.
Theo đó, đến năm 2020 bể than đồng bằng sông Hồng sẽ đi vào khai thác và dự kiến đạt sản lượng 0,5 - 1 triệu tấn. Đến năm 2030, bể than sông Hồng đóng góp trên 10 triệu tấn than.
Cũng theo quy hoạch, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành than đến năm 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư vào khoảng 317.736 tỷ đồng, bình quân khoảng 35.304 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn được thu xếp từ nguồn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
LH