Ngành mía đường trước nguy cơ phá sản?

Ngành mía đường Việt Nam đang tồn tại 3 vấn đề lớn cần giải quyết triệt để, nếu không, nguy cơ phá sản là khó tránh khỏi.

Vì theo cam kết AFTA và theo lộ trình hội nhập Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường đường trong nước. Và hiện đường Việt Nam cũng đang bị đường nhập lậu Thái Lan "lấn sân".

Từ năm 2000, ngành mía đường đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt 6 năm qua ngành mía đường không thể vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng như yêu cầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, niên vụ mía 2006/2007, cả nước làm ra 1,4 triệu tấn đường, tăng 27% so với năm trước, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và dự trữ.

Các nhà máy chế biến mía đường dự kiến đạt sản lượng 1,25 triệu tấn, tăng 31%. Hiện nay, các nhà máy đường đều hoạt động quá tải, vì vào mùa khô hạn các ruộng mía trên đồng đang trổ bông, nông dân muốn thu hoạch nhanh, bán nhanh.

Tỉnh Tây Ninh với 38 ngàn ha mía, 3 nhà máy có kế hoạch ép 2 triệu tấn mía cây, đến nay đã tiêu thụ 1,1 triệu tấn, với giá bình ổn 34.000 đồng/tấn, hỗ trợ 40.000 đồng/tấn vận chuyển.

Giá đường RE xuất xưởng tại nhà máy đã xuống còn 7.050 đồng/kg, tương đương giá đường nhập khẩu với mức thuế 30% theo lộ trình AFTA, các nhà máy đang nỗ lực tiếp thị tiêu thụ hàng sản xuất.

Hiện ngành mía đường cũng đang đứng trước những khó khăn của quá trình hội nhập, trong khi nội lực còn yếu kém, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh còn thấp.

Cả nước hiện có trên 40 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế khoảng 82 ngàn tấn mía/ngày, nhưng tổng sản lượng thì liên tục giảm. Niên vụ 2004-2005, tổng sản lượng mía ép đạt 9,3 triệu tấn, thấp hơn 1,3 triệu tấn so với niên vụ 2003-2004.

Có đến 16 nhà máy đường chỉ sử dụng dưới 80% công suất, thậm chí có 5 nhà máy chưa sử dụng hết 50% công suất.

Đầu tư thiếu đồng bộ giữa vùng nguyên liệu mía và xây dựng nhà máy đường, đã dẫn đến tình trạng không đảm bảo công suất hoạt động, gây thua lỗ của 32 nhà máy.

Nông dân mất lòng tin vào cây mía, đã có hiện tượng bỏ trồng mía chuyển sang trồng cây khác có lợi ích cao hơn ngay khi giá mía trên thị trường tăng cao.

PGS-TS. Mai Thành Phụng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện ngành mía đường của Việt Nam đang đứng trước ba khó khăn lớn.

Thứ nhất, đối với cây mía, cây mía muốn có năng suất cao phải tưới nước, đa số cây mía của chúng ta được trồng ở những vùng không có nước, nhưng thuỷ lợi giải quyết cho cây mía thì còn rất trầy trật, những vùng trồng mía nếu có nước bà con sẽ trồng cây khác mà không trồng mía, như vậy sự cạnh tranh có nước giữa cây mía và nhóm cây khác cũng rất quyết liệt.

Thứ hai, vùng ĐBSCL thì đầy nước, những lúc thừa nước, bà con nông dân phải chặt mía sớm nếu không thì cây mía bị ngập úng, chặt mía sớm thì chữ đường thấp. Do đó, ĐBSCL dù có đủ nước nhưng không đủ thời gian để cho cây mía tích luỹ đường do mùa lũ khống chế. Vì vậy, năng suất cây mía ở ĐBSCL dù rất cao nhưng chữ đường lại thấp.

Yêu cầu trong thâm canh mía công nghiệp là năng suất đường phải cao, nông dân trồng mía có bán mía được giá cao hay không tuỳ thuộc vào năng suất đường chứ không phụ thuộc vào năng suất cây.

Từ đó cho thấy, ĐBSCL bị hạn chế bởi mùa lũ nên không đủ thời gian để cây mía tích luỹ đường, nên năng suất đường ở miền tây rất thấp, trong khi cây mía được trồng ở các tỉnh miền đông chữ đường cao nhưng không có nước tưới.

Vấn đề tồn tại thứ ba là thiết bị máy móc ở các nhà máy đường. Hiện nay, thiết bị của chúng ta đa số là cũ kỹ, lạc hậu nên tỉ lệ thu hồi đường của chúng ta là 9/1, trong khi đó tỉ lệ thu hồi đường của các nước tiên tiến là 13/1, chỉ bấy nhiêu chúng ta đã thua các nước tiên tiến đến 4 giá. Tỉ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất của ngành mía đường Việt Nam còn rất cao do thiết bị cũ kỹ, công nghệ chế biến quá lạc hậu.

Theo Nguyễn Huyền
VnEconomy