Ngành lúa gạo Việt Nam: Cơ hội phát triển từ những dự án hợp tác

Dự án Sáng kiến Phát triển Sản xuất Lúa gạo Khu vực châu Á tại Việt Nam (BRIA) được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề đầu ra cho hạt lúa, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo từ đó thúc đẩy nền sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng ven biển (ICMP), dự án BRIA được thực hiện tại Việt Nam nhằm Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư trong chuỗi giá trị lúa gạo thông qua việc áp dụng các mô hình canh tác lúa bền vững thông qua việc ứng dụng những công nghệ mới nhất trong sản xuất lúa gạo. Chương trình do Bayer phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Hậu Giang và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai.

Ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam phát biểu khai mạc Sáng kiến Phát triển Sản xuất Lúa gạo Khu vực châu Á tại Việt Nam.
Ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam phát biểu khai mạc Sáng kiến Phát triển Sản xuất Lúa gạo Khu vực châu Á tại Việt Nam.

“Nội dung chính của BRIA là gói giải pháp kỹ thuật tiên tiến và đồng bộ bao gồm sử dụng giống tốt, quản lý cây trồng tổng hợp ( ICM) quản lý nước và dinh dưỡng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),...nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả các yếu tố đầu vào, tăng năng suất, chất lượng giảm tổn thất, giảm giá thành lúa gạo, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. BRIA hỗ trợ thí điểm liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo theo mô hình Cánh đồng lớn ( LF) thực sự là giải pháp quan trọng và hữu hiệu để thúc đẩy tái cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững”, Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám Đốc TRung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt nam cho biết.

Ở đoạn đầu, dự án sẽ được thực hiện tại ba tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang và Kiên Giang. Mục tiêu của dự án là nâng cao kiến thức canh tác lúa và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân theo hướng bền vững về môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời, tập trung nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa từ đầu vào đến đầu ra, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, để đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho nông dân và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

“Bayer cam kết cải thiện đời sống của nông dân trồng lúa tại Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước thông qua sự gia tăng bền vững sản lượng và năng suất lúa. Trong bối cảnh đa số nông dân trồng lúa Việt Nam là những nông hộ nhỏ lẻ, nỗ lực hợp tác tìm kiếm giải pháp cho ngành nông nghiệp lúa gạo thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật giữ vai trò rất quan trọng. Chúng tôi rất vui hợp tác cùng GIZ và các đối tác then chốt trong ngành lúa gạo thông qua dự án BRIA tại Việt Nam, để giúp cải thiện đồi sống của nông dân và đẩy mạnh sản xuất lúa gạo tại địa phương", ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam chia sẻ.

Ba chỉ tiêu chính cần đạt được của dự án này gồm (1) Có ít nhất 3000 nông dân canh tác lúa tại 3 tỉnh áp dụng thành công các biện pháp canh tác lúa thông minh đã được thử nghiệm; (2) Lợi nhuận tăng ít nhất 30% thông qua tăng năng suất và (hoặc) giảm sử dụng vật tư nông nghiệp khi áp dụng các biện pháp canh tác lúa thông minh so với tập quán canh tác của nông dân; (3) Sản phẩm lúa gạo của dự án đạt chứng nhận một số tiêu chuẩn chất lượng gạo của thị trường châu Âu (đánh giá dựa trên các văn bản liên quan đến phát triển và chứng nhận sản phẩm hoàn thành vào cuối dự án)

Ngoài Bayer, các đối tác chính trong dự án gồm: Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, Sở Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn của ba tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang và Kiên Giang, Viện lúa quốc tế (IRRI) và Viện lúa Đổng bằng sông Cửu Long (CLRRI), các ban ngành liên quan, các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và thu mua đầu ra.

“Việc hợp tác với Bayer là một cơ hội tốt để đưa khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và đầu tư sản xuất lúa sạch và bền vững tại Việt Nam. Thực trạng cho thấy là người nông dân Việt Nam thường sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, điều đó gây ảnh hường lớn đến chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng.” Ông Christian Henckes, Giám đốc chương trình ICMP nhấn mạnh.

Dự án BRIA được kỳ vọng sẽ đóng góp cho việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ Việt nam tạo một bước chuyển quan trọng trong sản xuất lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nó không những giải quyết vấn đề đầu ra cho hạt lúa mà còn là góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo từ đó đưa nền sản xuất lúa gạo phát triển ở khu vực này theo hướng bền vững hơn.

Ngô Yến Oanh