Ngành giao thông không chỉ "tắc đường" mà còn "tắc tư duy, tắc giải pháp"

(Dân trí) - "Tôi cho rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải ô tô của Bộ Giao thông - Vận tải đang có vấn đề lớn. Ngành giao thông hiện nay không chỉ tắc đường nữa mà tắc tư duy, tắc giải pháp".

Đây là chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hãng luật Basico tại Hội thảo về Nghị định 86 về kinh doanh vận tải ô tô đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lấy ý kiến, trình Chính phủ thông qua được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội.

Dự thảo mới "có vấn đề về tư duy"

Bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh, Viện CIEM: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Họ cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GTVT.

"Với 21 điều kiện kinh doanh theo... thì không biết còn bao nhiêu điều kiện con cháu nào khác nữa hay không?", bà Thảo nói.

Các chuyên gia tranh luận về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.
Các chuyên gia tranh luận về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức: Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mà Bộ GTVT soạn thảo cần được xem lại, làm lại, thừa nhận vai trò của công nghệ, kinh tế sẻ chia trong làm chính sách và xu hướng phát triển.

"Không thể làm như hiện nay được. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 sẽ không đi đến đâu được, nếu được thông qua xã hội trả giá và nó sẽ bóp mạch máu nền kinh tế", ông Đức nói.

"Tôi đọc qua, thấy Dự thảo trên cắt 1 thêm 3 điều kiện kinh doanh. Nó không chỉ hạn chế nguồn lực mà còn ngăn cản của công nghệ, hội nhập và tư duy xã hôi. Chúng ta cần thay đổi tư duy, phải bắt tay làm lại chứ không phải chỉ là câu chữ nữa rồi", LS Đức nhấn mạnh.

Một quan điểm đưa ra tại Nghị định 86 nhằm hạn chế xe hợp đồng điện tử để chống xe dù bến cóc là không đúng.

"Tại sao chúng ta quy định xe tải khi đi trên đường phải treo biển xe tải. Cái xe tải nó lù lù, ngay đến trẻ con cũng biết là xe tải, thì tại sao phải treo biển. Việc treo biển này nói vui chỉ dành cho khách tây lần đầu sang Việt Nam, biết đây là xe tải và tránh nó. Vậy, nếu quy định này được thông qua, nếu tôi là người thì phải treo biển tôi là người chứ không phải giống khác, hoặc người máy?" LS Đức lập luận.

Một điểm khác là tại sao phải mỗi chuyến xe phải thông báo cho Sở, theo ông Đức: Vấn đề này tạo bức xúc, phải chăng xe ô tô đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng là rời xa tổ quốc nên phải báo cáo.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM: "Công nghệ mới sẽ phá hủy cái cũ, nó sẽ thay thế nếu mình không chuyển đổi kịp nó sẽ phá hủy mình. Ngành giao thông không phải điển hình mà sau này còn có dệt may và các ngành nghề khác. Nó thể hiện cái xu thế mới và cái cũ cần phải thay đổi.".

Uber và Grab là xu hướng kinh tế sẻ chia

Theo ông Cung, hiện Việt Nam, cái cũ chưa giải quyết được, cái mới đã ập đến. Cách mạng 4.0 bao gồm: Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI) và xu hướng mới (New Trend). Chuyển biến xã hội đang thay đổi cấp số nhân, quy mô nhanh và lớn, cấp độ nhanh đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận và thay đổi chính mình.

"Uber và Grab chỉ là hiện tượng của 1 xu thế, nó chỉ là hiện tượng, chúng ta phải nhìn ra bản chất của nó ở đâu. Bản chất là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số", ông Cung nói.

TS Cung khẳng định: "Chúng ta muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại. Uber vốn hóa thị trường 60 - 70 tỷ USD. Grab là khoảng 6 - 7 tỷ USD. Họ huy động tiền 1 - 2 tỷ USD đầu tư rất dễ dàng. Chúng ta muốn hay không muốn chúng vẫn tồn tại. Làm sao để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia được vào xu hướng này".

Theo TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế: Cần tận dụng kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Quy định doanh nghiệp ô tô phải sử dụng chữ ký số trong giao dịch là không nên và không thể.

"Việc yêu cầu nhà xe phải lắp camera giám sát cho xe ô tô sẽ gây lãng phí lớn, trong khi chúng ta đã yêu cầu họ lắp hộp đen rồi. Nếu với 340.000 ô tô hiện nay, mỗi cái camera chi phí 4 - 5 triệu đồng, phí duy trì 120.000 đồng/xe/tháng. Mỗi năm, các doanh nghiệp mất thêm từ 1.500 đến 1.900 tỷ đồng/năm. Điều này có hiệu quả hay không?", ông Long nói.

Nguyễn Tuyền

Ngành giao thông không chỉ "tắc đường" mà còn "tắc tư duy, tắc giải pháp" - 2