Ngành điều thua lỗ, Chủ tịch Vinacas xin từ chức

Ông Hồ Ngọc Cầm, Chủ tịch Hiệp hội Cây điều Việt Nam (Vinacas), nhìn nhận: “Hậu quả thua lỗ ngày hôm nay là do từng doanh nghiệp tự chuốc lấy, chứ không thể đổ thừa thị trường. Tất cả diễn biến về thị trường đã được hiệp hội dự báo trước, nhưng nhiều DN không nghe”. Ông Cầm cũng khẳng định: “Tôi đã xin từ chức chủ tịch Vinacas!”.

Trong thời điểm ngành điều đang rối ren, làm thế ông không sợ dư luận cho rằng “bỏ của chạy lấy người”?

Không phải bây giờ tôi mới nói mà tại cuộc họp hiệp hội mới đây, tôi đã tuyên bố: “Nếu các anh cứ làm ăn kiểu này, tôi sẽ trả hiệp hội lại cho ban chấp hành và không làm chủ tịch Vinacas nữa!”.

Ông nói “Nếu các anh cứ làm ăn kiểu này”. Các anh ở đây là ai, làm ăn kiểu này là làm ăn như thế nào, hình như ông đang ám chỉ điều gì?

Ngay từ đầu năm do nhận định tình hình thị trường giá xuất khẩu sẽ giảm, hiệp hội đã khuyến cáo các DN hội viên bằng văn bản nên thu mua nguyên liệu ở mức giá 900 USD/tấn, để bảo đảm giá thành 1 tấn điều nhân là 4.500 USD. Nếu mua nguyên liệu giá cao hơn thì sẽ lỗ.

Tuy nhiên, có một nhóm DN năm rồi làm ăn có lời, tích lũy lớn, nhận định tình hình ngược lại. Họ dự báo năm nay mất mùa, nguồn hàng hiếm nên giá xuất khẩu sẽ tăng, do đó đẩy giá mua nguyên liệu từ 13.000 – 14.000 đồng/kg lên 16.000-17.000 đồng/kg, dẫn đến hậu quả thua lỗ đậm.

Những đơn vị như: Nhật Huy, Lafooco, Tanimex, Donafood, Vật tư Tổng hợp Phú Yên, Tấn Lợi, VinaFimex... đã tự tổ chức họp để quy định giá thu mua hạt điều cao hơn nhiều so với giá quy định của hiệp hội nhưng không báo cáo, không xin ý kiến của chủ tịch hiệp hội. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc tổ chức của hội, chống lại nghị quyết của hiệp hội và lợi ích của toàn thể hội viên.

Trong đó tôi cũng khẳng định: “Nếu tình hình này không được chấn chỉnh thì hiệp hội không thể điều hành được nhiệm vụ của mình... mà hội viên tự điều chỉnh giá thu mua theo diễn biến thị trường. Mọi rủi ro liên quan đến lợi ích của ngành điều, các hội viên tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm”.

Chính điều này dẫn đến việc điều hành của hiệp hội không thuyết phục DN hội viên?

Ban Chấp hành Vinacas có 20 người, trong đó 15 người là lãnh đạo các nhà máy sản xuất, chiếm đến 60% tổng sản lượng điều của VN. Theo quy luật, ai nắm giữ trên 50% thị trường là có thể điều tiết được thị trường, trong khi ở đây chiếm tới 60% nhưng lại không làm chủ được.

Điều này nói lên cái gì? Trước đây còn khó khăn, anh em trong hiệp hội còn đoàn kết, hợp tác chặt chẽ. 1-2 năm trở lại đây, nhờ làm ăn được, giàu có, nhiều DN muốn tách ra, đặt lợi ích cá nhân lên tập thể, khi họp cái gì cũng thống nhất cao, nhưng bước ra khỏi phòng thì làm ngược lại... Trước thực trạng này tôi thấy mình nên “rút” sớm là hợp lý, vì anh em họ không thực lòng với mình.

Khách hàng nước ngoài đánh giá DN xuất khẩu điều Việt Nam làm ăn không có uy tín, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nói cả ngành điều làm ăn không uy tín là không đúng. Ví dụ trong 100 DN xuất khẩu điều của Việt Nam thì có khoảng 10 DN có trường hợp chậm giao hàng cho khách khi giá xuất khẩu tăng. Việc “xù” hợp đồng cũng có, nhưng chỉ là cá biệt. Còn hiện tại hàng tiêu thụ chậm là do khách hàng nước ngoài đang tập trung đòi những DN thiếu hợp đồng cũ trước đây.

Ông có thể nói thật về thực trạng kinh doanh của ngành điều hiện nay?

Hiện tại, mặc dù giá xuất khẩu có giảm, nhưng vẫn trên 5.000 USD/tấn (loại W320). Với giá này, những DN mua nguyên liệu với giá 17.000-18.000 đồng/kg thì bị lỗ từ 300-400 USD/tấn nhân xuất khẩu.

Nếu từ nay đến cuối năm, giá xuất khẩu không tiếp tục giảm, thì thua lỗ của ngành điều không đáng kể, còn ngược lại, sẽ có nhiều nhà máy rơi vào tình trạng... cực kỳ khó.

Theo ông, để ngành điều thoát khỏi cảnh làm ăn “bấp bênh”, những vấn đề gì cần phải chấn chỉnh?

Về mặt tổ chức, cần gấp rút điều chỉnh và củng cố. DN hội viên phải biết đặt chữ tín lên hàng đầu trong thực hiện hợp đồng và các cam kết làm ăn với khách hàng. Cuối cùng là sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ của các DN hội viên, một bài học quý mà 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch Vinacas tôi đã rút ra.

Theo Người lao động