1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành điều: “Cái chết” được báo trước!

Từ đầu tháng 6/2005 đến nay, giá nhân điều trên thị trường thế giới liên tục giảm. Sau khi chạm mức 5,6 USD/kg, giá nhân điều đã tụt dần, tụt dần và hiện chỉ còn khoảng 4,8-5 USD/kg. Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến nhân điều như đang “ngồi trên đống lửa”, nguy cơ thua lỗ đang trở thành hiện thực...

Không hút hàng, giá giảm

“Nếu giá nhân điều xuất khẩu tiếp tục đứng ở mức như hiện nay, hàng loạt DN chế biến nhân điều xuất khẩu có nguy cơ phá sản”, giám đốc một DN lo lắng nói. Theo vị giám đốc này, giá thành nhân điều xuất khẩu của hầu hết các DN ngành điều VN đã lên đến 5.100-5.300 USD/tấn, cao hơn 300-400 USD/tấn so với mức giá giao dịch trên thị trường.

Điều khiến nhiều DN lo lắng hơn là hoạt động giao dịch trên thị trường nhân điều thế giới đang bắt đầu trầm lắng do thông tin về việc trúng mùa điều và giá hạt điều thô giảm tại một số nước khu vực châu Phi.

Ông Hồ Ngọc Cầm - chủ tịch Hiệp hội Cây điều VN (Vinacas) - cho rằng việc các nhà nhập khẩu nhân điều vẫn đang tập trung lấy hàng của những hợp đồng cũ - những lô hàng do các đơn vị ngành điều VN còn nợ vào năm 2004 - cũng là nguyên nhân khiến thị trường nhân điều không hút hàng, giá giảm.

Sáng 29/6, Hiệp hội Cây điều VN (Vinacas) đã có công văn gửi các DN thành viên đề nghị không xuất bán nhân điều với giá thấp hơn 5-5,2 USD/kg.

Theo yêu cầu của Vinacas, những đơn vị không tìm được thị trường tiêu thụ hoặc không ký được các hợp đồng giá tốt thì liên hệ với các DN có nhu cầu mua nhân điều trả nợ với giá cao hơn, tránh tình trạng xuất nhân điều với giá quá thấp.

Thông báo của Vinacas cho biết thời gian gần đây nhiều DN đã ký hợp đồng xuất khẩu nhân điều sang Trung Quốc và một số nước châu Âu với giá thấp, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chung của toàn ngành.

Ông Cầm khẳng định những diễn biến bất lợi về giá cả trên thị trường nhân điều hiện nay không phải là điều bất ngờ, mà đã được Vinacas dự báo ngay từ đầu vụ thu hoạch điều. “Các DN ngành điều đều biết nguy cơ thua lỗ, Vinacas cũng đã khuyến cáo, nhưng đơn vị nào cũng cứ hi vọng giá nhân điều sẽ tăng như từng xảy ra năm trước”, ông Cầm nói.

Nếu giá nhân điều tiếp tục diễn biến theo chiều hướng giảm dần, không chỉ nhiều nhà chế biến phải phá sản mà người nông dân trồng điều cũng sẽ chịu chung số phận.

"Thủ phạm" là... DN!

Ngay từ tháng 2/2005, khi giá nhân điều chào bán trên thị trường dao động ở mức 5.000-5.100 USD/tấn, giá hạt điều thô nhập kho đã được các DN đẩy lên mức 17.000-18.000 đồng/kg. Với mức giá này, cộng với chi phí vận chuyển, chế biến..., giá thành nhân điều sản xuất trong nước đã lên tới 5.300 USD/tấn, cao hơn giá bán 200-300 USD/tấn.

Tại cuộc họp bàn biện pháp bình ổn giá nguyên liệu hạt điều thô trong nước diễn ra cuối tháng hai, ông Phạm Văn Công - Công ty Nhật Huy - đã lo lắng lên tiếng “nếu tiếp tục mua hạt điều với giá… trên trời như hiện nay, không khéo nhiều DN phải bán cả nhà máy vì thua lỗ”.

Cũng tại cuộc họp này, các DN chế biến nhân điều đã thống nhất giảm giá trần thu mua hạt điều thô tại vườn xuống 12.000-13.000 đồng/kg (tương đương giá nhập kho là 15.000-16.000 đồng/kg). Điều ngạc nhiên là ngay sau cuộc họp, giá hạt điều thô thu mua tại vườn không những không giảm mà còn tăng, ở mức 15.000-15.500 đồng/kg.

Và theo ông Nguyễn Thái Học - giám đốc Công ty Donafood, “chính các DN là thủ phạm đẩy giá hạt điều thô tăng”. Chính tình trạng giá nhân điều liên tục tăng vào năm 2004 và nhiều đơn vị đã thắng lớn nhờ “ôm” nhiều nguyên liệu là lý do khiến nhiều DN chấp nhận mạo hiểm, với hi vọng giá nhân điều trong năm nay cũng sẽ diễn biến tương tự.

Tuy nhiên các DN có lẽ đã không tính tới, đó là mức giá nhân điều khởi điểm vào đầu vụ thu hoạch 2004 đứng ở mức thấp, chỉ vào khoảng 3,4-3,5 USD/kg và sau đó tăng dần lên 5-5,5 USD/kg, trong khi giá nhân vào đầu vụ thu hoạch điều năm nay lại đứng ở mức khá cao, lên đến 5-5,1 USD/kg.

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm