Ngành dệt may đang “hút hồn” đại gia ngoại

(Dân trí) - Là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, dệt may đang trở thành “rốn hút tiền” các nhà đầu tư ngoại. Từ số ít ỏi vài chục triệu USD, đến nay, ngành dệt may thu hút được những dự án lên đến hơn nửa tỷ đô. Một con số mà nhiều ngành ao ước!

Trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới, tăng thêm giảm từ năm 2013, hội nhập và lợi thế so sánh đang là điểm cộng đối với đầu tư ngành dệt may trong thời gian qua.

D

Dệt may Việt Nam đang nhận được sự đầu tư lớn của các DN nước ngoài, trong đó có Mỹ và EU

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Số liệu thống kế về FDI 6 tháng đầu năm 2015, trong 4 dự án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, ngành này chiếm 3 dự án với số vốn 1,12 tỷ USD, chiếm 20% vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đặc biệt, số vốn đầu tư mỗi dự án vào ngành dệt may tăng đột biến cao nhất là 660 triệu USD, đây là con số được nhìn nhận chưa từng có tiền lệ cho một dự án.

Tại Diễn đàn Dệt may mới được tổ chức hôm 26/6, các chuyên gia nước ngoài khẳng định: do tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành dệt may Việt Nam đang có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư dệt may Hoa Kỳ, EU.

Tại Diễn đàn, bà Julia K. Hughes - Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ cho biết, một số DN Mỹ hoặc làm ăn với Mỹ đang có kế hoạch mở rộng sản xuất và Việt Nam đang được xem là nước có lợi thế nhất trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như: nguồn lao động giá rẻ, quy mô sản xuất, xuất khẩu lớn thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brasil. Thuế xuất hàng dệt may từ Việt Nam vào Mỹ, Nhật, EU sẽ là 0%. Hàng dệt may Việt Nam sẽ không có đối thủ cạnh tranh về giá bởi TPP không có sự tham gia của 3 đối thủ trên.

Theo thống kê, vốn FDI dệt may đến hết năm 2014, chưa dự án nào vượt 500 triệu USD. Ngành này chỉ có 3 dự án  trăm triệu USD đều thuộc vốn đầu tư từ Trung Quốc như:  Dự án 400 triệu USD xây khu công nghiệp dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong  tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu của TAL tại Hải Dương.

Trong 4 dự án có vốn FDI lớn nhất 6 tháng năm 2015, dệt may có đến 3 dự án với tổng vốn 1,12 tỷ USD và có dự án lớn 660 triệu USD của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến sợi tại Đồng Nai. Đây là dự án có số vốn FDI vào ngành dệt may lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, còn có hai dự án lớn trăm triệu USD là dự án 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc của Vương quốc Anh  tại Tp HCM và dự án nhà máy sợi, vải màu 160 triệu USD tại Tây Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vốn FDI cấp mới và tăng thêm vào ngành dệt may vẫn còn rất tiềm năng và ngành này cần nỗ lực cải tổ để chủ động hội nhập. Theo bà Julia thời gian tới ngành này cần nhiều cải tổ nhanh và mạnh hơn nữa, trong đó có sự chủ động về nguyên phụ liệu, đổi mới công nghệ may và nâng cao năng lực thiết kế thời trang…

“Việt Nam cần giảm nhanh tình trạng phụ thuộc lớn vào nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, nước không tham gia TPP, bởi các nhà đàm phán Mỹ đều lo ngại hàng dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với các rủi ro chính sách, pháp luật nếu vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, bà Julia nhấn mạnh.

Hiện Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, riêng thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, bỏ xa các đối thủ như Banglades, Ấn Độ… Một khi hàng dệt may Việt Nam dính kiện về CRO tại Hoa Kỳ thì rất khó vào các thị trường nước khác.

Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam vẫn nhập gần 50% nguyên phụ liệu cho dệt may, trong đó phần lớn là: sợi dệt, vải, bông, hóa chất nhuộm… Trong đó báo cáo mới nhất của Tập đoàn Dệt may, Việt Nam nhập khẩu 48% nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc. Năm 2014, ngành này cũng nhập khoảng 9,4 tỷ USD nguyên phụ liệu để phục vụ cho xuất khẩu.

Bà Julia và các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhấn mạnh đặc điểm riêng biệt của TPP là: quy tắc xuất xứ hàng hóa (CRO) được đưa ra với tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất so với các FTA thế hệ mới. Thông thường, các hiệp định khác, CRO sẽ được gia hạn từ 5 – 10 năm cho các nước có yếu tố trình độ phát triển thấp hơn. Tuy nhiên, trong TPP, thuế các mặt hàng giảm về 0%, đồng nghĩa CRO sẽ được thực hiện ngay tại các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển.

Để nhận được mức thuế 0%, 12 nước tham gia trong đó có Việt Nam phải triệt để quy tắc xuất xứ vào từng sản phẩm. Nếu phải nhập thì chỉ nhập trong phạm vi 11 nước của TPP dựa trên các điều khoản ưu đãi tương đương nhau trong quy tắc Tối huệ quốc (MFN) của WTO.

Mới đây, tờ Wall Street Journal (WSJ) cũng nhận định, các nhà đàm phán thương mại Mỹ yêu cầu Việt Nam - nước xuất khẩu dệt may hàng đầu sang Mỹ cần phải giảm sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi vào Mỹ.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”