1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành da giày mở rộng thị trường ngoài EU

Vụ kiện chống bán phá giá da giày vào EU không chỉ đe doạ mục tiêu xuất khẩu 3,3 tỷ USD của ngành da giày Việt Nam trong năm 2005 mà cả những năm tiếp theo. Vì vậy nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường ngoài EU.

Ngay từ khi xuất khẩu vào thị trường EU gặp khó khăn vào đầu năm 2005, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn ngoài EU như Mỹ, Nhật Bản, châu Phi...

Tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong những tháng đầu năm 2005 đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao khoảng 30 - 35%. Cụ thể, xuất khẩu giày dép sang thị trường này trong tháng 6 ước đạt trên 50 triệu USD, nâng mức tổng kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm lên mức trên 260 triệu USD, tăng trên 30% so với nửa đầu năm 2004.

Hiện Mỹ đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của giày dép Việt Nam, thay thế vị trí của EU. Với tốc độ này, dự tính năm 2005, xuất khẩu vào Mỹ ước đạt khoảng 560 triệu USD, tăng 35% so với năm 2004.

Thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn về nhiều chủng loại giày dép khác nhau nên các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để khai thác. Một điểm thuận lợi là hiện nay, rất nhiều hàng giày nổi tiếng thế giới của Mỹ như: Nike, Reebok... đã chọn Việt Nam làm gia công sản phẩm để xuất khẩu đi các nước khác và ngày càng tin tưởng vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp da giày, nhất là các doanh nghiệp 100% vốn trong nước là: Thiếu năng lực tự thiết kế mẫu mã và bị động về nguyên liệu; rất khó để thâm nhập sâu vào thị trường và trở thành đối tác chiến lược, cung cấp hàng hóa trực tiếp cho các nhà phân phối và bán lẻ.

Vì vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nên quá coi trọng việc xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường Mỹ mà cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất để có thể trở thành đối tác sản xuất chiến lược của các hãng giày dép lớn. Đồng thời, nâng cao khả năng tự thiết kế mẫu mã, chủ động nguyên liệu để dần dần tiếp cận với các hãng phân phối bán lẻ, trở thành đối tác cung cấp hàng hoá cho họ.

Xuất khẩu giày dép sang thị trường Nhật Bản trong vài năm gần đây liên tục tăng. Có thời điểm như hai tháng đầu năm 2005, xuất khẩu sang thị trường này tăng đến 75%. Tính chung trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép sang Nhật Bản ước đạt 45 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2004.

Với mức kim ngạch này, Việt Nam hiện là nhà cung cấp giày, dép lớn thứ 3 cho Nhật Bản, chiếm 3,6% thị phần, xếp sau Trung Quốc chiếm 68,7% và Italy chiếm 9,5%. Bộ Thương mại hy vọng, với sự tăng trưởng mạnh như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2005 sẽ vượt mức kế hoạch đặt ra là 80 triệu USD.

Châu Phi là một thị trường mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2004, giày dép Việt Nam đã khai thác thành công thị trường châu Phi, bằng cách tập trung thâm nhập vào Nam Phi. Trong bốn tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc khoảng 175% và đạt kim ngạch 5,81 triệu USD.

Từ Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đưa hàng qua các nước khác như Mozambique (Đông Phi), Tây Phi ... Tuy kim ngạch xuất khẩu tại các nước này còn nhỏ bé và khá thất thường nhưng qua thăm dò thị trường các doanh nghiệp rất tin tưởng vào khả năng thành công trên thị trường này.

Vấn đề ở thị trường châu Phi là cần tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến, tìm kiếm các đối tác phân phối hàng hoá để xuất khẩu được nhiều hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cần chú ý tới việc vận chuyển cũng như thiết lập được các hình thức thanh toán được thuận tiện và an toàn hơn.

Ngoài những thị trường trên, trong những tháng đầu năm 2005, da giày Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh ở một số thị trường như Canada tăng 50%, Mexico 40%, Đài Loan 30%, Hồng Công 27%.

Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm