1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngành Công Thương tiếp tục “rũ bùn…”, vươn lên mạnh mẽ!

(Dân trí) - Năm 2017 là một năm đầy khó khăn đối với ngành Công Thương nước nhà. Họ không chỉ phải duy trì hoạt động hiệu quả, tháo gỡ những rào cản, củng cố lại tổ chức mà còn phải gồng mình khắc phục những sai lầm từ quá khứ để lại. Thế nhưng như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ “vấp nhưng không ngã”, đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Để làm rõ hơn nhiệm vụ của ngành trong năm 2018, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Món quà đầu năm của Thủ tướng

Trước hết, xin chúc mừng những nỗ lực của ngành trong năm 2017 và chúc mừng sự kiện khá hi hữu, đó là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ tổng kết của ngành 2 năm liên tục. Theo ông, sự kiện này nói lên điều gì?

-Tôi nghĩ thứ nhất, đây là sự quan tâm, chú trọng của Đảng và Nhà nước đối với ngành Công Thương, một ngành quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Thứ hai, là Thủ tướng muốn cùng chúng tôi tháo gỡ những khó khăn, trực tiếp chỉ đạo, vạch ra chiến lược cho sự phát triển trong tương lai và thứ ba, là sự đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn mà chúng tôi đã và đang vấp phải.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Tôi rất phấn khởi khi vào những ngày đầu năm mới, Thủ tướng đã mang tặng ngành Công Thương và giới doanh nghiệp Việt Nam món quà đầy ý nghĩa, đó là Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý. Đặc biệt nhất là, Thủ tướng đã ký Nghị định này ngay tại bàn, nơi diễn ra Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương vào ngày 15/1/2018.

Trước sự quan tâm của Thủ tướng cũng như sự chờ đợi của nhân dân, năm 2018 và những năm tới, ngành có những quyết sách gì cho chiến lược phát triển, góp phần tạo nên sự hưng thịnh cho đất nước?

-Người xưa có câu: “Biết mình, biết người” mới hi vọng “trăm trận trăm thắng”. Vì thế, tôi xin nói về những thách thức, khó khăn mà chúng tôi đã và đang phải đối mặt. Đó là về kinh tế thế giới, năm 2018 vẫn phải tiếp tục đối mặt với những nguy cơ như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột và sự gia tăng những căng thẳng chính trị… Ngoài ra, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước phát triển.

Còn đối với những khó khăn trong nước, thưa Bộ trưởng?

-Về kinh tế trong nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến, chế tạo, dịch vụ… Trong khi vẫn tồn tại những vấn đề về công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều, năng suất lao động chưa cao, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự tạo được đột phá. Trong dài hạn, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm.

Tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi và manh động…

“Đối đầu” với 5 thách thức

Trước những thách thức, khó khăn như ông nói, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ Công thương sẽ làm gì?

-Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Hai là, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh; chỉ đạo chặt chẽ và hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp; hoàn thiện và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh...

Ba là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc Cách mạng 4.0; thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm.

Bốn là, tập trung rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc phân cấp các thủ tục hành chính cho địa phương nếu có thể, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng hệ thống quản lý công nghệ thông tin; đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết có hiệu lực; chú trọng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với cam kết quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển; chuẩn hóa hệ thống quy trình, tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư công ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô…

Công cuộc “vác đá ghè chân mình”

Được biết việc cơ cấu lại tổ chức được ví như “vác đá ghè chân mình”. Ông đã xác định cho mình tâm thế như thế nào để hành động một cách công bằng và chính xác nhất?

-Thực sự mà nói, năm 2017, chúng tôi có rất nhiều quyết định khó khăn và nhạy cảm mà một trong những quyết định khó khăn nhất là cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh và giấy phép con. Nhưng, 2017 cũng là năm chứng kiến rất nhiều nỗ lực của Bộ Công Thương, từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức người lao động. Có thể nói là chúng tôi tạm hài lòng về quá trình chuẩn bị và khởi động để đạt được những mục tiêu cụ thể đó.

Để hướng dần tới một Chính phủ kiến tạo thì phải hoàn thiện thể chế theo hướng hỗ trợ người dân mà trọng tâm là tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là điều kiện kinh doanh trong các ngành kinh tế quan trọng và nhạy cảm.

Năm 2017, Bộ Công Thương đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận gì? Với trọng trách là người đứng đầu, kết quả đạt được nào của Bộ trong năm qua được đánh giá cao nhất?

-Năm 2017, ngành Công Thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước, cụ thể trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đạt 9,4%, cao hơn mức tăng 7,4 của năm 2016. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2017 lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ. Về phát triển thị trường trong nước, công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt đã góp phần tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển.

Về công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương đã thực hiện một cách quyết liệt, chủ động và nhất quán chiến lược hội nhập của đất nước, qua đó đã nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là thể hiện qua một loạt các FTA đa phương trong thời gian qua đều cho thấy dấu ấn rõ nét của Việt Nam như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại tự do lớn nhất đang được đàm phán đến thời điểm hiện nay; hay như Hiệp định FTA của Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu, là hiệp định đầu tiên của một nước với Liên minh này.

Về cơ cấu lại tổ chức, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong việc thực hiện tinh giản mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW. Đặc biệt về cải cách thủ tục hành chính, năm 2017 Bộ Công Thương là cơ quan đi đầu cả nước về cắt giảm điều kiện kinh doanh như đã nói ở trên.

Cải cách thể chế và thủ tục hành chính

Yếu tố “kiến tạo” nào được Bộ trưởng tiếp tục triển khai và đổi mới để góp phần thực hiện thông điệp của Thủ tướng về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động?

-Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực (cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính). Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh và cải cách tổ chức bộ máy.

Về phương án cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương được thực hiện theo các nguyên tắc thứ nhất là chuyển đổi phương thức chuyển dần sang hậu kiểm. Thứ hai, cụ thể các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thứ ba, cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh. Thứ tư, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực. Thứ năm, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Với các nguyên tắc xác định như trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiến hành công tác rà soát, hệ thống hóa toàn bộ danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bùi Hoàng Tám

(Thực hiện)

Ngành Công Thương tiếp tục  “rũ bùn…”, vươn lên mạnh mẽ! - 2