1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngành bán lẻ: Người dân sẵn sàng chịu giá đắt hơn để mua…sự tiện lợi

(Dân trí) - Ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của chuỗi các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Đây được cho là xu thế sẽ thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Ngành bán lẻ: Người dân sẵn sàng chịu giá đắt hơn để mua…sự tiện lợi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Phát biểu tại một hội thảo diễn ra tuần qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ cho hay, chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini vốn đã rất quen thuộc, ai cũng đã từng sử dụng dịch vụ này.  

“Nói thì xa xôi nhưng ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam 100% xuất phát từ bán lẻ truyền thống, chúng ta mua đủ các thứ từ các chợ rất lớn, rất hoành tráng như Đồng Xuân, Bình Điền cho đến các chợ cóc, chợ tạm. Ngoài ra, chúng ta cũng có hệ thống các cửa hàng tạp hoá ở tất cả các thành phố, thị xã”, bà Loan nói. 

Theo bà Loan, từ khi mở cửa thị trường ngành công nghiệp bán lẻ được chính thức hình thành với sự đổ bộ ào ạt của các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị và gần đây nhất là chuỗi các cửa hàng tiện lợi. 

“Tuy tạm gọi là làn sóng đổ bộ của các cửa hàng tiện lợi Việt Nam nhưng đây không phải là lần đầu tiên các cửa hàng này xuất hiện tại Việt Nam. Cách đây 10 năm đã từng xuất hiện hàng loạt các tên tuổi đầu tiên vào Việt Nam như hệ thống G7 của Đặng Lê Nguyên Vũ. Đáng tiếc là thời điểm đó chuỗi cửa hàng này chưa thành công”, bà Loan cho biết thêm.

Theo vị Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ, một nguyên nhân lớn khiến các cửa hàng tiện lợi thời kì đầu chưa thành công vì thời điểm bấy giờ người dân chưa quen với chữ “tiện lợi”. Khi đó, người tiêu dùng còn so sánh giá mua hàng và dù thấy tiện lợi, có thể mua hàng bất cứ lúc nào nhưng giá cả lại đắt hơn cả chợ và siêu thị, người tiêu dùng không chuẩn bị được tâm lý trả tiền cho sự tiện lợi đó.

“Nhưng tôi vui mừng vì hiện nay cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang trở lại như một trào lưu. Đây cũng là trào lưu chung trên thế giới khi các siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động như những “xác chết vứt đi”, chưa phát huy được vai trò của nó. Đây dường như là thời đại của những cái gì nhỏ thì đẹp, nhỏ thì mới hiệu quả”, bà nói.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển thị trường, bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc Nielsen Việt Nam nhìn nhận, người tiêu dùng Việt Nam với thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu chi tiêu lớn nên họ có đòi hỏi rất lớn trong mua sắm, cần phải sáng tạo hơn và bắt mắt hơn. 

“Dự báo đến năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng gần gấp 3, đây sẽ là những người tạo ra động lực tăng trưởng trong tương lai cho thị trường này. Thực tế, 12 tháng trước đây, nếu hỏi ai đã đi cửa hàng tiện lợi rồi thì rất ít người bảo có nhưng gần đây hỏi lại thì đã rất nhiều người nói có rồi. Sinh viên họ coi cửa hàng tiện lợi là nơi tụ tập bên cạnh nhu cầu mua sắm. Người đi làm bận rộn thì cửa hàng tiện ích cũng mang lại những sự tiện lợi lớn cho họ”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Theo bà Quỳnh, hiện nay 69.000 người dân Việt Nam mới có một cửa hàng tiện ích, trong khi Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc 1.800 người. Do đó, số lượng cửa hàng tiện ích ít nhất phải tăng gấp 3 lần. Kênh cửa hàng tiện ích, siêu thị mini sẽ là hướng phát triển mới của thị trường bán lẻ Việt Nam. Các nhà bán lẻ cần phải sẵn sàng với xu thế này, cần phải có những sáng kiến mới. 

Dù rất nhiều tiềm năng nhưng cũng không phải là không tồn tại những rủi ro. Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Hữu Thìn - một đại diện đến từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lưu ý rằng, một chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini phải đủ lớn mới có thể có lợi nhuận còn không rất dễ đổ vỡ.

“Một chuỗi phải có khoảng 150 cửa hàng thì mới có lợi nhuận. Thực tế, trước nhiều đơn vị đã chết bởi số lượng cửa hàng không đủ thì không thể bán rẻ được. Ở Nhật Bản, khi có một số lượng cửa hàng cực lớn thì giá bán lẻ của cửa hàng tiện lợi sẽ thấp hơn giá bán hơn của các đơn vị lớn, như vậy mới có thể cạnh tranh nổi”, ông Thìn nói. 

Ông Thìn cũng cho hay, cơ quan nhà nước cũng sẽ cân nhắc kĩ hướng mở thị trường bởi lẽ có một mâu thuẫn là nếu cho nước ngoài vào nhanh thì chợ, cửa hàng truyền thống của Việt Nam không thể phát triển được. 

Ông Nguyễn Bảo Lộc, phó Tổng giám đốc của Intimex thì cho rằng, để các chuỗi cửa hàng tiện lợi đi sâu vào khu dân cư, đòi hỏi một hệ thống logistic hiệu quả, cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu từng khu vực. Tuy nhiên đây lại là một bài toán khó trong việc quản lý chi phí cũng như vận hành. “Trong một diện tích nhỏ bé, bạn rất khó để trưng 100 – 150 mặt hàng cho khác hàng mua như tại siêu thị”, ông Lộc nhận định.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”