Ngân sách Nhà nước lệ thuộc lớn khoáng sản - xăng dầu

(Dân trí) - Quán quân nộp thuế 2013 là Viettel. Mặc dù không dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng V1000 năm nay nhưng ngành khoáng sản – xăng dầu lại là quán quân về số thuế TNDN với tỷ lệ đóng góp lên đến 36,4% tổng số thuế của bảng xếp hạng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Hôm nay (23/10), Công ty Vietnam Report chính thức công bố Bảng Xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2014 - Bảng Xếp hạng (BXH) V1000.

Trong bảng xếp hạng năm nay, Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội (Viettel) đã trở thành doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước.
 
Các vị trí tiếp theo thuộc về Công ty Thông tin di động -VMS (Mobifone), Tổng công ty Khí Việt Nam (Petro Gas), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Công ty Honda Vietnam, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Liên doanh Việt - Nga (VietsovPetro), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam.
 
Tổng số thuế TNDN của Top 10 Bảng xếp hạng V1000 (theo mã số thuế) đạt 22.875,9 tỷ đồng.

Viettel nộp thuế lớn nhất trong V1000 2014
Viettel nộp thuế lớn nhất trong V1000 2014

Thống kê cũng cho thấy, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp do các doanh nghiệp V1000 đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2013 đã giảm nhẹ 0,54% so với năm trước, ở mức 80.460 tỷ đồng, và chiếm 10,2% tổng thu ngân sách nhà nước (so với con số 12,3% của năm trước). Trong đó, riêng 100 doanh nghiệp dẫn đầu đã nộp hơn 57% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp toàn BXH. Đây là minh chứng cho thấy, nền kinh tế và ngân sách nhà nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào số ít các doanh nghiệp quy mô lớn.

Phân theo ngành nghề hoạt động, mặc dù không dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp lọt vào BXH V1000 năm nay nhưng ngành khoáng sản – xăng dầu lại là quán quân về số thuế TNDN với tỷ lệ đóng góp lên đến 36,4% tổng số thuế của BXH. Tiếp theo sau là ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (15,3%) và ngành tài chính (10,5%). Như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành khai thác tài nguyên vẫn là các doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Vietnam Report đánh giá.

Trong BXH V1000 năm 2014, nhóm doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm hơn 29% tổng số doanh nghiệp nhưng lại đóng góp đến 65,6% số thuế của BXH V1000. 

Rộng hơn, có thể thấy điều tương tự trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, khi mà số thu dự kiến từ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 184.599 tỷ đồng, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 111.603 tỷ đồng, và từ khu vực ngoài quốc doanh là 107.252 tỷ đồng.

Theo nhận định của đơn vị khảo sát, một mặt, điều này cho thấy những nỗ lực của nhóm doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đầu tư, cũng như trách nhiệm tuân thủ luật pháp về thuế. Mặt khác, vai trò chi phối quá lớn của doanh nghiệp Nhà nước trong nguồn thu ngân sách cũng cho thấy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong các năm tiếp theo.

Đồng thời, xét về nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế, các doanh nghiệp FDI cần thể hiện vai trò chủ động hơn nữa, tương xứng với tỷ trọng ngày càng lớn của nhóm doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam. 

Những cản trở chính sách đối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh
Những cản trở chính sách đối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh

Khi được hỏi về tác động của cải cách thủ tục hành chính thuế tới doanh nghiệp trong thời gian qua, hơn 67% doanh nghiệp nhận định, các thủ tục hành chính thuế đang được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1/3 số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, thậm chí 11,6% số doanh nghiệp còn cho rằng, những cải cách này đang khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên khó khăn hơn. 

Con số trên chỉ ra rằng, công cuộc cải cách hành chính thuế sẽ còn cả một chặng dài phía trước, đòi hỏi cơ quan thuế triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, tránh tình trạng cán bộ thuế gây nhũng nhiễu, hách dịch với người nộp thuế... 

Khi được hỏi, vấn đề thuế nào cản trở hoạt động của doanh nghiệp, hơn 70% số doanh nghiệp cho rằng, thuế suất thuế TNDN vẫn ở mức cao là quan ngại lớn nhất của họ. Rõ ràng, mặc dù thuế suất thuế TNDN đã giảm xuống mức 22%, nhưng đây chưa phải là mức thuế suất “hài lòng” của doanh nghiệp Việt, đặc biệt khi kinh doanh đang có xu hướng “đi ngang” như hiện nay.

Khảo sát thêm về mức độ cản trở doanh nghiệp của các vấn đề về thuế nêu trên thì dẫn đầu “cản trở đáng kể” là việc thuế suất thuế TNDN vẫn còn cao với 23,3% lựa chọn, và “cản trở rất nhiều” là việc Thông tư, văn bản hướng dẫn chưa chi tiết với 14,5% lựa chọn, cho thấy nhu cầu minh bạch chính sách và các quy định về thuế của doanh nghiệp là rất cao. 

Bảng Xếp hạng V1000 được xây dựng dựa trên kết quả thu thập, điều tra, xử lý và kiểm chứng dữ liệu độc lập của Ban tổ chức V1000, được tiến hành thường kỳ liên tục kể từ năm 2010 đến nay. Các thông tin phục vụ cho việc xếp hạng doanh nghiệp được thu thập, điều tra các nguồn dữ liệu phản hồi từ các doanh nghiệp thông qua các cuộc điều tra dữ liệu của Vietnam Report và được đối chiếu kiểm chức bởi các cơ quan hữu quan . Thứ tự xếp hạng trong Bảng Xếp hạng V1000 được xác định căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp trong năm 2013.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”