1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng Xây dựng sẽ sáp nhập vào Vietcombank?

(Dân trí) - Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, cũng là nguyên Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay, tương lai sẽ trả lời có hay không việc 2 ngân hàng sáp nhập.

Ngân hàng Xây dựng sẽ sáp nhập vào Vietcombank?
Hình ảnh tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Vietcombank và Ngân hàng Xây dựng (VNCB)
 
Chiều ngày 1/8/2014, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Vietcombank sẽ hỗ trợ VNCB về quản trị, điều hành và hoạt động. 

 

Cụ thể, Vietcombank sẽ tham gia hỗ trợ VNCB thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng, trong đó nội dung quan trọng nhất liên quan tới xử lý nợ xấu và hỗ trợ các vấn đề về thanh khoản. Song song với các hỗ trợ về tài chính đảm bảo khả năng chi trả của VNCB, Vietcombank cũng sẽ cử thêm nhân lực hỗ trợ cho ngân hàng này. 

 

Việc Vietcombank trực tiếp đứng ra hỗ trợ một ngân hàng nhỏ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra câu hỏi trong tương lai gần 2 ngân hàng này có sáp nhập với nhau hay không?

 

Bởi trước đó, tại ĐHCĐ diễn ra hồi đầu tháng 4, ông Nghiêm Xuân Thành – Tổng giám đốc Vietcombank từng tiết lộ, ngân hàng sẽ nghiên cứu và sẵn sàng tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao vị thế hiện tại của Vietcombank.

 

Cho rằng, sáp nhập chắc chắn sẽ xảy ra và tất yếu phải xảy ra để phát triển, tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Thành cũng chỉ mới khẳng định, hiện về mặt đối tác, cách thức vẫn đang ở khâu chuẩn bị.

 

Bên lề buổi ký kết hôm qua, trả lời câu hỏi về khả năng sáp nhập của Vietcombank với VNCB, ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng là nguyên Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay, tương lai sẽ trả lời có hay không việc 2 ngân hàng sáp nhập.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thanh cũng nói thêm rằng, cả Vietcombank và VNCB đều là các ngân hàng thương mại cổ phần nên sẽ nếu có xảy ra trường hợp sáp nhập thì vẫn tuân thủ theo các luật định.

 

Từ đầu năm nay, các ngân hàng liên tiếp công bố kế hoạch M&A với các ngân hàng khác. Một số vụ sáp nhập điển hình đang/có thể sẽ diễn ra gồm có: MHB và Maritime Bank; Vietinbank và PGBank; Sacombank và SouthernBank.

 

Với xu hướng này, hoạt động mua bán sáp nhập được cho rằng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Trong dài hạn, theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm từ 39 xuống khoảng 15-17 ngân hàng. 

 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2014, sẽ tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đợt hai. Trong quý I vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các tổ chức tín dụng hai biện pháp đó là: Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp vào thanh tra hoặc sẽ giao cho các công ty kiểm toán độc lập lớn vào kiểm toán chất lượng tín dụng.

 

“Trên cơ sở đó từ quý II, sẽ bắt đầu loạt chương trình tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới. Dự kiến trong năm 2014, chúng tôi sẽ xử lý 6 - 7 ngân hàng. Như vậy, sẽ đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên khoảng từ 7 - 10 ngân hàng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói.

 

Phương Dung
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm