1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng vượt trần lãi suất huy động: “Trảm” lãnh đạo

(Dân trí) - Thừa nhận tình trạng vượt trần lãi suất huy động của hầu hết các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thể hiện “bàn tay sắt” với vấn nạn này bằng tuyên bố đình chỉ hoặc miễn nhiệm người quản lý, người điều hành của đơn vị vi phạm.

Cùng ngày ban hành Chỉ thị 02 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng VND và USD, NHNN cũng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 của ngành ngân hàng. Tại đây, NHNN đã đưa ra nhiều thông điệp thể hiện quyết tâm giảm lãi suất cho vay.
 
Ngân hàng vượt trần lãi suất huy động: “Trảm” lãnh đạo - 1
NHNN thể hiện quyết tâm lớn để kiểm soát thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm

 

Lập đường dây nóng theo dõi vi phạm trần lãi suất huy động

 

Chỉ thị 02 ngày 7/9 của NHNN thừa nhận thực tế hầu hết tổ chức tín dụng (TCTD) đều huy động VND và USD ở mức lãi suất cao hơn mức quy định hiện hành. Đây là lần đầu tiên, NHNN thừa nhận tình trạng vượt trần lãi suất bằng văn bản. Trước đó, ngày 1/9 tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thẳng thắn khẳng định tồn tại này ở nhiều TCTD.

 

Đánh giá những vi phạm này là "nghiêm trọng" và "tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho TCTD", NHNN đã yêu cầu các TCTD và Chi nhánh NH nước ngoài thực hiện đúng mức trần lãi suất huy động, tự kiểm tra phát hiện vi phạm và chấn chỉnh, xử lý người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị để xảy ra sai phạm.

 

Chỉ thị cũng mở ra cơ chế để các TCTD có thể tự giám sát lẫn nhau thông qua việc chủ động phát hiện và báo cáo NHNN những TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm trần lãi suất huy động.

 

Chỉ thị đầy quyết tâm này của NHNN còn thể hiện qua việc yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát NH và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về vi phạm vượt trần huy động để theo dõi và xử lý.

 

Không chỉ các biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cũng được NHNN đưa ra khá quyết liệt: đối với các TCTD vi phạm, người quản lý, điều hành sẽ bị đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ trong vòng 3 năm. TCTD vi phạm cũng bị hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động trong vòng 1 năm và hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay.


Ghìm cương lãi suất tín dụng

Việc NHNN ban hành Chỉ thị 02 được cho là biện pháp dẹp từ gốc nền lãi suất đang cao ngất ngưởng trong nước hiện nay. Ngoài ra, đây cũng được coi là biện pháp "siết" lại hoạt động của các TCTD nhằm đạt được quyết tâm thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%, hạ nhiệt lãi suất.

Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), cơ cấu tín dụng đã chuyển hướng tích cực. Cụ thể, đến cuối tháng 8/2011, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,8%, trong đó tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng xuất khẩu tăng 35%.

Còn tín dụng phi sản xuất giảm gần 17%. Trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm tới 43%; dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10%; dư nợ cho vay tiêu dùng giảm hơn 23%.

Đối với lãi suất - vấn đề được các ngân hàng cũng như doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thì để tạo được sự đồng thuận lớn, trước khi diễn ra Hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã trủ trì cuộc họp với 12 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam về các giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011.

Tại cuộc họp trên, các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm; và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ giữa tháng 9/2011.

Tại Hội nghị, lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN như hiện nay, duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%/năm để tạo điều kiện cho các TCTD đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường; đồng thời giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các TCTD đối với khách hàng là tổ chức và dân cư.

Những biện pháp mà NHNN đưa ra nhận được sự đồng thuận của đa số các TCTD. Trao đổi bên lề với Dân trí, lãnh đạo một NH cho rằng việc giữ trần lãi suất 14% là rất cần thiết vào thời điểm này, tuy nhiên các NH cũng kỳ vọng vào việc hỗ trợ các kênh vốn và giải quyết áp lực thanh khoản, đặc biệt với các NH nhỏ. "Một chính sách mà đa phần các TCTD có thể thực hiện được, thì nó có tính khả thi", vị này nói.
 
Hồng Kỹ - Lan Hương

 

Dòng sự kiện: Siết trần lãi suất