“Ngân hàng Việt vẫn có khoảng cách so với khu vực”

(Dân trí) - TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “So với thế giới, với khu vực, các ngân hàng của Việt Nam đang dần dần tiếp cận, dần dần hội nhập nhưng vẫn còn có khoảng cách, kể cả về nhân sự, nghiệp vụ phục vụ cũng như cách quản lý”.


TS.Cao Sỹ Kiêm trả lời báo chí.
TS.Cao Sỹ Kiêm trả lời báo chí.

Bên lề Quốc hội ngày 28/10, TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã chia sẻ các vấn đề quanh việc tái cơ cấu ngành ngân hàng hiện nay.

Đã từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông đánh giá thế nào về tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém hiện nay?

Việc xử lý các ngân hàng yếu kém, xét về mặt sáp nhập, cho tham gia cổ phần, xử lý tài sản, xử lý nhân sự, tạo nên những yếu tố mới ... đã bắt đầu làm được rồi. Việc sáp nhập ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu, sáp nhập để cho khỏi đỗ vỡ là tốt nhưng giờ phải giải quyết được tồn tại cũ như nợ xấu, các ngân hàng khác hỗ trợ thế nào và Ngân hàng Nhà nước chi viện cái gì.

Ngoài ra, các ngân hàng sau sáp nhập phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới, khắc phục những tồn tại cũ và đảm bảo được những yếu tố để phát triển bền vững.

Các ngân hàng yếu kém phải hiểu rằng, họ hoạt động không phải độc lập nên cần phải có sự đổi mới, cải cách, sắp xếp lại để hệ thống ngân hàng Việt Nam đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh. Các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng nước ngoài cũng cần phải xử lý những yếu kém vì ngành ngân hàng mang tính hệ thống rất cao, chỉ cần một chỗ tắc lại hoặc một chỗ nào đó bị chi phối thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Vậy nên, ngành ngân hàng phải có phương án giải quyết đồng bộ và phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu chung của nền kinh tế, ví dụ như với bất động sản, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… hay như việc nới room để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia… Tất cả phải làm đồng bộ thì việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng mới có kết quả và hiệu quả mới vững chắc. Nếu không, nó được cái này nhưng khi có yếu tố tác động không cùng chiều lại bị tụt xuống.

Vậy ông đánh giá thế nào về hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nhiều thời kỳ cũng đã có những đột phá, đi đầu, có những tác động lôi cuốn nền kinh tế nhưng trong quá trình kinh doanh vẫn có một số lĩnh vực, một số ngân hàng quản lý không tốt làm ảnh hưởng đến tính bền vững của cả hệ thống. So với thế giới, với khu vực, chúng ta đang dần dần tiếp cận, dần dần hội nhập nhưng vẫn còn có khoảng cách, kể cả về nhân sự, nghiệp vụ phục vụ cũng như cách quản lý. Do đó, ngành ngân hàng phải có những sắp xếp cụ thể như tôi đề cập.

Một loạt các ngân hàng xin mở phòng giao dịch, chi nhánh và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Hình như Ngân hàng Nhà nước đang cho phép các ngân hàng mở rộng cơ sở, sau một thời gian “án binh bất động”?

Việc ngân hàng mở thêm các phòng giao dịch, thêm các chi nhánh là sự sắp xếp lại, bởi nếu để phòng giao dịch thì những yếu tố đảm bảo cho hoạt động có thể không an toàn hoặc những tiêu chuẩn quản lý, kiểm soát cũng không đầy đủ.

Đây không phải cho mở ra rộng mà là sắp xếp lại anh nào đủ tiêu chuẩn thì sắp xếp lại cho có sự phân bổ hợp lý hơn, để có một khả năng cạnh tranh lành mạnh hơn, đảm bảo yếu tố an toàn hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ hiện tại đã có nhiều đột phá so với trước đây?

Tôi hoan nghênh một số ngành qua kiểm kiểm nhiều năm, qua tồn tại nhiều năm đã tập trung sửa chữa, giải quyết những điểm bức xúc, nổi cộm, trong đó có hệ thống ngân hàng. Chính sách tiền tệ hiện nay đã có sự đổi mới theo nguyên tắc của thị trường, những giải quyết thì đã đi vào hướng của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý chất lượng tín dụng …

Hay những bức xúc nhất là vấn đề quản lý vàng, ngoại tệ, chống đô la hóa, vàng hóa cũng đã đi vào những điểm cơ bản. Quan trọng nhất là những giải pháp này đã đi vào vấn đề bức xúc của nền kinh tế và bám sát hướng chỉ đạo của Chính phủ và của Quốc hội. Đặc biệt, những giải quyết đó này đi theo hướng thị trường, hướng tới việc kiến tạo một nền kinh tế phát triển bền vững.

Tôi đánh giá, đây là một điểm mới của hoạt động chính sách tiền tệ, hy vọng qua đó sẽ tạo cho chúng ta một hướng phát triển đúng mức, hội nhập sâu hơn với thế giới và đảm bảo những yếu tố bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền