1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng vẫn “bó chặt” điều kiện vay vốn

(Dân trí) - Nhu cầu vay vốn phát triển sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp đã tăng khoảng 25% so với thời điểm giữa năm, nhưng tăng trưởng tín dụng không tăng được bao nhiêu.

Chỉ mới dễ thở

Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Vũ: Tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng hiện nay chỉ mới dễ thở hơn một chút, vì các chính sách linh hoạt tiền tệ của NHNN bước đầu tăng thêm nguồn cung, làm cho đầu vào của ngân hàng phong phú hơn.

Còn đầu ra ngân hàng thì NHNN vẫn thả tự do cho các ngân hàng quyết định, không có chính sách nới lỏng về điều kiện cho vay. Do đó, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) với các ngân hàng vẫn còn rất hạn chế.

Ông Vũ Tiến Dũng nói: “DN tôi sản xuất inox, hệ số tín nhiệm của DN cao, nên việc tiếp cận vốn với ngân hàng chưa bao giờ gặp khó khăn. Kể cả lúc khó khăn nhất đối với các DN khác thì chúng tôi vẫn quan hệ bình thường với các ngân hàng mà không bị bó chặt. Thế nhưng, khách hàng của chúng tôi, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang kêu ca rất nhiều về việc tiếp cận vốn vay ngân hàng”.

Về lý do, DN khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng cho rằng, hệ số tín nhiệm của DN thấp, ông Dũng bày tỏ: “Đúng là trong điều kiện hiện nay, hệ số tín nhiệm của DN đã thấp lại càng thấp hơn, nhất là đối với các DNNVV, nhưng về phía ngân hàng cũng làm hơi quá. Hay nói đúng hơn là khả năng thẩm định, năng lực thẩm định và đánh giá của ngân hàng cũng chưa tốt, cho nên nhìn ai cũng cảm thấy nghi ngờ, nhìn DN nào cũng thấy sắp phá sản đến nơi”.

Đại diện một DNNVV cho hay: Mức giảm lãi suất cơ bản của NHNN vẫn quá thấp. Hầu hết các ngân hàng TMCP giảm rất “nhỏ giọt”, từ lãi suất vay vốn 21%, giảm xuống 18% và cách đây 1 - 2 ngày đã giảm xuống 17,5%.

“Điều này là rất quý nhưng để cạnh tranh, mức giảm này vẫn là quá thấp. Chỉ cần xét về cạnh tranh nội địa, nếu DN nào vay vốn được từ các ngân hàng quốc doanh như: Agribank, BIDV với mức lãi suất 14 - 15%, sẽ được chi phí đầu vào thấp hơn chúng tôi vay trong khối ngân hàng TMCP ở mức 17 - 18%”.

Bà Đào Minh Anh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý tín dụng của Ngân hàng Quốc tế (VIBank) cho biết: Vào thời điểm cuối năm này, hồ sơ đăng ký vay vốn đã tăng khoảng 20 - 25% so với hồi giữa năm, nhưng nguồn vốn vay từ các ngân hàng không tăng lên được bao nhiêu.

“Cái DN cần bây giờ là vốn, nhưng cái mà DN thiếu chính là hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nền kinh tế như bây giờ, DN ảnh hưởng cực kỳ lớn, đã có một số DN nhỏ đi vào phá sản; chính vì thế, khi DN đến vay vốn tại ngân hàng, hoạt động kinh doanh của họ không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Phương án kinh doanh của họ thẩm định cũng không khả thi và khả năng trả nợ của họ cũng kém”.

Vị đại diện của VIBank cũng chỉ ra rằng, nhu cầu vay vốn của các DN thời điểm cuối năm nay rất lớn, tăng khoảng 20 - 25% so với tháng 6, tháng 7 vì tất cả những cái dự án bắt đầu cần vốn và ngân hàng hoàn toàn có khả năng đáp ứng được.

“Các ngân hàng rất muốn đẩy vốn ra thị trường, nhưng việc này không đơn giản chỉ phụ thuộc vào ngân hàng mà khi ngân hàng đẩy vốn ra cũng phải nghĩ đến chuyện có thu hồi được nợ hay không, chính vì thế mà các DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay”, bà Anh nói.

Cần phải nhìn từ hai phía

Báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, từ tháng 9 đến nay, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng trên địa bàn là khá tốt; nhiều ngân hàng thừa vốn đã công khai công bố dành một số vốn nhất định cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tỷ lệ hồ sơ xin vay vốn đã được giải quyết là 85,6%.

Như vậy, chỉ còn 14,4% hồ sơ chưa được giải quyết, trong đó chủ yếu mua sắm ô tô hoặc nhu cầu tiêu dùng xa xỉ, các khách hàng kinh doanh thép, hạt nhựa do giá trên thị trường thế giới giảm thấp so với lúc nhập khẩu, không tái xuất được để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng nên không được cho vay tiếp, các dự án đầu tư kém hiệu quả, nhiều rủi ro, khả năng thu hồi nợ thấp.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM giữa NHNN, UBND TPHCM và doanh nghiệp diễn ra vào giữa tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp cần phải được nhìn nhận từ hai phía.

Về phía khách hàng vay vốn, vi phạm nguyên tắc cho vay chiếm khoảng 6,9%; doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện cho vay chiếm khoảng 80,8% như phương án kinh doanh không khả thi, không hiệu quả; khả năng tài chính thấp; tỷ lệ vốn tự có tham gia vào dự án quá thấp.

Về phía ngân hàng (chiếm khoảng 2,1%): do thiếu vốn, do khả năng thẩm định. Sự thận trọng trong quyết định cho vay của các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn vốn thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan của ngân hàng.

Tuy nhiên, điều này là có thể hiểu được khi tổ chức tín dụng là một định chế trung gian, đi vay để cho vay, do vậy, việc phải cân nhắc, lựa chọn những khách hàng tốt là một điều kiện sống còn nhằm đảm bảo sự tồn tại bền vững và an toàn.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ xảy ra vào giữa tháng 9 vừa qua bắt nguồn từ sự đổ vỡ tín dụng và những khoản cho vay dưới chuẩn, chính là một trong các yếu tố đòi hỏi các tổ chức tín dụng buộc phải rà soát lại và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo an toàn.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và lãi suất sẽ được điều chỉnh theo đà giảm của chỉ số CPI; việc giảm lãi suất không thể thực hiện đột ngột và bằng các biện pháp hành chính. Đồng thời, NHNN cũng đề nghị các doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn với ngành ngân hàng, chủ động xem xét, có giải pháp để tiết giảm chi phí đầu vào ngoài lãi suất.

Nguyễn Hiền