1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng và doanh nghiệp: Cháo múc cùng lúc với trao tiền

Các ngân hàng thương mại đang thừa tiền, doanh nghiệp thì cần tiền nhưng vẫn có cách trở khiến cho đôi bên chưa gặp nhau.

“Lãi suất vay cao hơn mức 6 – 7% là đã không tốt cho nền kinh tế, đừng mong chờ làm ra sản phẩm có sức cạnh tranh hơn các đối thủ cả trong lẫn ngoài nước”, ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc công ty cổ phần Vinamit nói như vậy.
 
Ngân hàng và doanh nghiệp: Cháo múc cùng lúc với trao tiền

 

14% vẫn khó chấp nhận

 

Ông Nguyễn Lâm Viên cho biết, khoản vay mới của công ty đang ở mức 14%/năm. Từ mức 20% trước đây xuống 14% là một bước cải thiện, nhưng để sản phẩm có tính cạnh tranh bền vững, đây vẫn là mức lãi suất khó chấp nhận. Sản phẩm của Vinamit đã có giá thành cao hơn xung quanh, cộng thêm các chi phí tài chính làm yếu đi sức cạnh tranh. “Theo tôi biết, lãi suất tại một vài nước lân cận Việt Nam không quá 4%/năm, lãi suất ưu đãi nông nghiệp 1 – 2%/năm đã góp phần đưa sản phẩm của họ giá rẻ và cạnh tranh. Có sức cạnh tranh thì mới giữ được thị trường”, ông nói.

 

Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt, cho biết lãi suất trên hợp đồng tín dụng cũ của ông vẫn chưa được giảm. Còn vay mới thì công ty ông chưa tính tới. Theo ông, với công ty lớn, mối quan hệ tín dụng với ngân hàng dễ dàng và không có trở ngại nhiều, nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rất khó khăn. Chẳng hạn hơn 500 đại lý phân phối của Thép Việt rất khó khăn mới vay được ngân hàng, và để vay được luôn phải có tài sản thế chấp với lãi suất ở mức 19 – 20%/năm. “Cho đến giờ tôi hỏi thì họ cho biết vẫn chưa được giảm lãi suất, chưa được xem xét giãn nợ”, ông nói.

 

Theo ông, các doanh nghiệp lớn có lỗ, nhưng họ sẽ không chết, song những doanh nghiệp nhỏ, chân rết nếu không được cứu kịp thời sẽ chết, ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ông cho rằng, các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, giản thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ… cần phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo các đối tượng được hưởng lợi ích kịp thời.

 

“Những doanh nghiệp mới thành lập năm năm trở lại, thời gian hoạt động còn ngắn làm sao tích luỹ tài sản để thế chấp. Họ cần tiền để nhập hàng thì tài sản đâu mà thế chấp liên tục?”, ông đặt vấn đề.

 

Hiện nay, theo ông, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là “tiền có trao thì cháo mới múc”. “Không tài sản đảm bảo, không mục đích chắc chắn, đừng mong ngân hàng cho vay”, ông nói.

 

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng còn phụ thuộc vào độ dài hoạt động và uy tín của doanh nghiệp… Họ là “mối sỉ” hay mối lẻ, nghĩa là một doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ ngân hàng, có khi là chủ nợ của ngân hàng sẽ khác với doanh nghiệp nhỏ không có tài sản thế chấp, lâu lâu mới tới ngân hàng…

 

Trên thực tế, dù có tài sản thế chấp, khả năng thương lượng của doanh nghiệp vẫn khó. Cho dù có đặt trần lãi suất vay, thì ngân hàng vẫn có thể yêu cầu thêm các loại phí, thậm chí tăng phí mà doanh nghiệp vẫn buộc phải chấp nhận khi họ đang lâm vào thế kẹt. Qua tìm hiểu, việc thu phí là chuyện giữa ngân hàng và khách hàng, các cơ quan quản lý không thể điều phối mức phí.

 

Ngân hàng không muốn tăng nợ xấu

 

Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB cũng cho rằng, ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp mỗi khi doanh nghiệp vay thì tài sản đâu mà họ thế chấp cho ngân hàng? Đó là lý do hiện nay ACB đang cố gắng triển khai cho vay chuỗi tài trợ cung ứng đến doanh nghiệp: cho vay doanh nghiệp và cả những nhà cung ứng cho doanh nghiệp đó. “Ngân hàng vẫn yêu cầu tài sản thế chấp, nhưng đó là hàng tồn kho, nguyên phụ liệu, bộ chứng từ… trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ dựa trên niềm tin”, ông Lý Xuân Hải nói.

 

Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận rất khó khăn trong việc triển khai này, mà trong đó ngân hàng còn dựa nhiều vào lời đảm bảo của doanh nghiệp đối với các nhà cung ứng. “Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, thừa tiền là tìm cách tiêu ngay, không xe đẹp thì bất động sản, chứng khoán. Họ chưa biết quản lý dòng tiền của mình”, tổng giám đốc một ngân hàng nói.

 

Theo ông Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng thận trọng là điều dễ hiểu, bởi họ không muốn tăng thêm nợ xấu, trong khi nhiều doanh nghiệp khả năng trả nợ gần như không có. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam vẫn dựa trên tài sản thế chấp là chính chứ chưa dựa vào niềm tin. Theo đó, các ngân hàng vẫn chưa xây dựng được một hệ thống đánh giá tín dụng doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam lại xài đòn bẩy tài chính quá nhiều. Khi cho vay không có sự hiểu biết lẫn nhau, ngân hàng đòi tài sản thế chấp là điều dễ hiểu. Song, tài sản thế chấp là bất động sản cũng đóng băng, thì tài sản thế chấp này hiện mất nhiều ý nghĩa so với trước.

 

Vì vậy, dù tình hình ngân hàng thanh khoản tốt hơn, dòng tiền vẫn không chạy.

 

Theo Hồng Sương

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm