1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp "đói" vốn và cuộc khủng hoảng niềm tin của ngân hàng

(Dân trí) - Khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, những doanh nghiệp không chịu nổi nhiệt buộc đóng cửa, số còn lại bám trụ và chống đỡ khó khăn do niềm tin ở các ngân hàng giảm sút - vì chính nhà băng cũng phải "sống" như một tổ chức kinh doanh.

Doanh nghiệp đói vốn và cuộc khủng hoảng niềm tin của ngân hàng
Bài toán về vốn liên quan đến lợi ích cả phía doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

Khoảng thời gian cuối quý I mang lại nhiều hy vọng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp khi bên cạnh những biện pháp hỗ trợ về giãn thu nhập từ phía Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định hạ lãi suất chính sách đồng loạt xuống 1%.

Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn “giá rẻ” đó hay không lại là một câu chuyện khác.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank cho biết, hiện chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, sự tác động khách quan từ ngoại cảnh kinh tế vĩ mô chỉ là một phần, mà thực trạng này còn do chính cả phía đi vay và phía cho vay.

Năng lực tài chính doanh nghiệp Việt Nam quá hạn chế!

Bà Mùi cho hay, thực tế, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp của Việt Nam còn quá hạn chế. Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đa số nền kinh tế.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vốn đang là diện được ưu tiên về tiếp cận vốn thì có trên 90% có vốn dưới 1 tỷ đồng, 6% có mức vốn từ 10-50 tỷ đồng và chỉ có 1% có mức vốn trên 200 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận dễ bị “tổn thương” nhất trong khủng hoảng thì đa phần  kinh doanh vượt nhiều lần năng lực tài chính của chính mình. Thậm chí, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có số nợ gần bằng tổng giá trị tài sản, có doanh nghiệp còn có số nợ lớn hơn cả trăm lần vốn chủ sở hữu.

Xếp hạng trong tổng số 142 quốc gia thì vị thứ của các doanh nghiệp Việt Nam luôn “lép vế”. Cụ thể, lợi thế cạnh tranh thứ 134/142, kiểm soát phân phối thị trường quốc tế thứ 112, sự tinh thông của quy trình sản xuất xếp thứ 108, mức độ phát triển của chuỗi giá trị thứ 101, chất lượng nhà cung cấp xếp thứ 92…

Trong khi đó, việc quản trị nội bộ doanh nghiệp cũng chưa được quan tâm đúng mức từ năng lực điều hành cho đến cung cấp thông tin cho các ngân hàng. Vì vậy, đã ngăn cản các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn ngân hàng, do hàm chưa những yếu tố rủi ro rất lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta quá tham lam. Nhân sự, năng lực cạnh tranh thì hạn chế nhưng lúc nào cũng thích đao to, búa lớn, quy mô kinh doanh phình to gấp nhiều lần vốn tự có. Khi gặp khó khăn, số nợ này chính là gánh nặng cho doanh nghiệp khiến họ không thể dứt ra được” – bà Mùi thẳng thắn.

Nhận xét này trùng hợp với điều mà TS Lê Đăng Doanh nhận định, khi ông cho rằng, quá trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội cho những nhà kinh doanh, nhưng vì không lượng được sức mình, năng lực hạn chế nhưng lại “vung tay quá trán” nên khi kinh tế lâm vào khủng hoảng mới “hụt hơi” và cầu cứu. Vì vậy, ông mới nói,  “Trong số những doanh nghiệp giải thể vừa qua, có những doanh nghiệp là “chết” chính đáng và nên “chết” đi”.

Ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh

Đứng ở góc độ các ngân hàng, mặc dù mong muốn đáp ứng nhu cầu khách hàng song do độ tin cậy của doanh nghiệp còn thấp nên ngân hàng buộc phải yêu cầu có tài sản thế chấp, mà phương án được cho là an toàn cho nhà băng là ưu tiên vốn cho “khách hàng ruột”, “mối” lâu năm.

Bà Mùi nói: “Trước hết, mọi người đừng quên ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, mà một doanh nghiệp thì họ sẽ không thể làm bất cứ điều gì nếu không có lợi nhuận. Vào lúc thanh khoản mong manh, ngân hàng nào dám cho vay bừa bãi? 1 đồng bỏ ra là phải thu chắc về 1,1 đồng. Nếu đặt các vị giám đốc điều hành doanh nghiệp ngồi vào ghế ngân hàng, các vị có dám tung ra cho vay không?”.

Rõ ràng, khủng hoảng kinh tế chung là một thực trạng khách quan phải thừa nhận, song vẫn còn một tình trạng khủng hoảng khác mà tự các bên có thể khắc phục được, đó là khủng hoảng niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Vì vậy, theo bà, muốn tháo gỡ được nút thắt từ hai phía thì trong khi doanh nghiệp vươn lên đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng thì phía các ngân hàng cũng cần có đánh giá cụ thể, giúp doanh nghiệp hoàn thiện những thủ tục, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, tinh thần “win-win” cho cả đôi bên.

Bích Diệp