Ngân hàng Trung Quốc đồng loạt hạ lãi suất cho vay và tiền gửi

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Các ngân hàng Trung Quốc đang nỗ lực giảm lãi suất nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, thu hút thêm dòng vốn vào thị trường chứng khoán và giảm bớt áp lực cho người đi vay.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC) và các tổ chức cho vay khác dự kiến cuối tuần này cũng hạ lãi suất tiền gửi lần thứ 3 trong năm nay.

Việc hạ lãi suất cho vay được thị trường Trung Quốc rất kỳ vọng, sau khi PBOC hồi tháng 7 đã phát tín hiệu về động thái này. Các nhà đầu tư cũng lo ngại về rủi ro từ cuộc suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Tuy nhiên, sau khi hạ lãi suất và đưa chi phí đi vay trung bình xuống mức thấp kỷ lục, hầu hết các hộ gia đình vẫn chưa được hưởng lợi vì phải đến năm sau các ngân hàng mới định giá lại các khoản vay.

Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc, hơn 90% các khoản thế chấp chưa thanh toán của Trung Quốc được sử dụng cho các ngôi nhà mua lần đầu, tính đến tháng 7/2021. Năm 2022, hơn 80% các khoản cho vay mua nhà mới là của những người mua nhà lần đầu.

Ngân hàng Trung Quốc đồng loạt hạ lãi suất cho vay và tiền gửi - 1

Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất (Ảnh: PBoC).

Trước đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất với công cụ cho vay trung hạn (MLF) từ 2,65% xuống 2,5%. MLF là khoản vay mà PBOC cấp cho một số tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan này. Việc hạ lãi suất sẽ giúp duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng.

Giới phân tích đánh giá động thái này là bất ngờ vì trước đó hầu hết chuyên gia đều cho rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất. 14 trong số 15 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo Trung Quốc sẽ giữ nguyên lãi suất.

"Đợt cắt giảm này rất mạnh mẽ, cho thấy sự cấp bách của việc tung ra các gói hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng", Becky Liu, chuyên gia vĩ mô của ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ với Bloomberg.

PBOC cũng đã hạ lãi suất chính sách quan trọng vào tháng 6 để hỗ trợ nền kinh tế nói chung, nhưng dữ liệu kinh tế ngày càng suy yếu kể từ thời điểm đó. Việc nền kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát trong tháng 7 cũng đòi hỏi giới chức nới lỏng tiền tệ hơn nữa để chặn lại đà lao dốc.

"Tất cả những việc này khiến giới chức phải khẩn trương hành động trước khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm mạnh hơn nữa", Tommy Wu, nhà kinh tế học tại công ty tài chính Commerzbank (Đức) nhận định với Reuters.

 
Theo Bloomberg