Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên giảm sâu lãi suất cho vay
(Dân trí) - Sau "phát súng" tiên phong giảm mạnh lãi suất cho vay của Vietcombank, từ sáng nay 15/10, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thông báo điều chỉnh hạ lãi suất cho vay từ 1% - 1,5%/năm. Đây là một trong những ngân hàng có mức lãi suất cho vay thấp nhất thị trường hiện nay.
Cụ thể, theo thông báo của LienVietPostBank, lãi suất cho vay được ngân hàng giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Động thái này được LienVietPostBank lý giải là nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát lạm phát. Như vậy, đây là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có mức lãi suất cho vay thấp nhất thị trường hiện nay.
Trước đó, vào ngày 29/9, LienVietPostBank cũng đã hạ lãi suất huy động dưới 1 năm bằng mức hạ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước). TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho hay, việc ngân hàng luôn tiên phong giảm lãi suất so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác trước hết căn cứ vào nguồn lực, nguồn vốn rẻ dồi dào của LienVietPostBank, chiến lược thu hút khách hàng, tín hiệu thị trường và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam cũng như Thủ tướng Chính phủ về việc góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Như Dân trí đã đưa tin, vào trưa hôm qua 14/10, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành phát đi thông điệp về việc kể từ 8h sáng nay15/10, ngân hàng này chính thức cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay các đối tượng này chỉ còn 6%năm.
Mức điều chỉnh trên của Vietcombank giảm sâu đến 2%/năm so với mặt bằng hiện nay. Theo ước tính của Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, việc đưa lãi suất cho vay với các nhóm đối tượng trên về mức 6%/năm, thu nhập từ tiền lãi của ngân hàng sẽ giảm 100 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng sẽ tiết giảm chi phí quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng hiệu quả lao động để bù đắp lại số tiền sụt giảm này.
Đề cập tới việc nhiều ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất huy động lẫn cho vay có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các ngân hàng nhỏ, ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng không đáng lo ngại. Ông lý giải, 4 ngân hàng quốc doanh đang chiếm 50% vốn huy động nên dù các ngân hàng nhỏ huy động kiểu gì thì đến khi cho vay cũng bị giới hạn theo mức tăng trưởng.
"Đến lúc tự các ngân hàng nhỏ cũng không có nhu cầu huy động nữa. Chưa kể như tại Vietcombank, hơn 60% vốn huy động trong 9 tháng qua đến từ thể nhân, dân cư chứ không phải doanh nghiệp dù mặt bằng lãi suất huy động thấp", ông Thành nói.
Ông Nghiêm Xuân Thành cũng hy vọng, việc tiên phong giảm lãi suất cho vay sẽ là động lực để các ngân hàng khác cùng hỗ trợ doanh nghiệp hạ chi phí vay. Bởi, "thanh khoản của các ngân hàng khác hiện cũng tốt nên vẫn có thể giảm được. Doanh nghiệp khoẻ thì ngân hàng mới khoẻ được", ông Thành nói.
Vào đầu tháng 10 này, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng công bố gói tín dụng ưu đãi khi đồng loạt giảm lãi suất đối với khách hàng cá nhân và DN. Với cá nhân vay mới, HDBank giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm xuống còn 10,5%/năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất giảm được xem là cơ sở quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời buổi hội nhập. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ, tháo gỡ doanh nghiệp, giúp ổn định sản xuất kinh doanh.
Nguyễn Hiền