Thấp hơn lạm phát, lãi suất cho vay 1% có hợp lý?

(Dân trí) - Đề cập tới việc đặt mục tiêu lãi suất chênh 2 - 3% với lạm phát, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đặt câu hỏi: "Nếu trừ đi như vậy thì lãi suất cho vay là 1%, có hợp lý hay không?".

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 7/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN hoàn toàn đồng tình với đánh giá là lạm phát đang quay trở lại. Tuy nhiên, đến tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới tăng 3,14% so với cuối năm 2015, thể hiện sự chủ động của Chính phủ trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng và các dịch vụ y tế, giáo dục năm 2016. Đối với lạm phát cơ bản, tháng 9 tăng 1,58% so với cuối năm 2015, nếu so với cùng kỳ thì tăng 1,85%, vẫn nằm trong dao động từ 1,5-1,9% như những tháng vừa qua.

Trong điều kiện lạm phát cơ bản như vậy, vẫn cho phép NHNN thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian qua, "tuy nhiên, trong điều hành, NHNN không chủ quan với diễn biến lạm phát", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.


Thông thường lãi suất cho vay được tính toán dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí hoạt động của các trung gian tài chính.

Thông thường lãi suất cho vay được tính toán dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí hoạt động của các trung gian tài chính.

Đề cập tới dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 có đặt mục tiêu cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý từ 2-3% so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Theo đó, chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn và phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để điều chỉnh phù hợp, nên nếu đưa ra một mục tiêu như vậy thì sẽ rất khó cho điều hành.

Bên cạnh đó, thông thường lãi suất cho vay được tính toán dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí hoạt động của các trung gian tài chính. Bởi vậy, nếu hiểu mục tiêu đưa ra như vậy thì lãi suất phải thấp hơn 2-3% so với mức lạm phát. Trong khi theo định hướng của kế hoạch 2016-2020, lạm phát trong những năm đầu là khoảng 4%, và đưa lạm phát về 3% vào năm 2020.

"Nếu trừ đi như vậy thì lãi suất cho vay là 1%, có hợp lý hay không? Chưa kể đến việc còn trừ đi chi phí của hoạt động trung gian thì lúc đó lãi suất huy động sẽ là 0% hay là âm?", Phó Thống đốc đặt câu hỏi ngược lại.

Cũng theo giải thích của Phó Thống đốc, nếu hiểu lãi suất cho vay chênh lệch cao hơn lạm phát 2-3% thì cũng không hợp lý khi so với các nước khác (chênh lệch lãi suất cho vay và lạm phát của các nước khoảng 4 - 7%: Indonesia 6,3%, Malaysia 2,5%, Philippines 4,2%, Singapore 5,8%, Ấn Độ 4,4%, Thái Lan7,5%).

Còn tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9 - 10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực vì lãi suất cho vay đến cuối năm 2015 (theo số liệu của WB): Indonesia 12,7%, Malaysia 4,6%, Philippines 5,6%, Singapore 5,35%, Ấn Độ 10,3%, Thái Lan 6,6%, Việt Nam phổ biến 6 - 11% (bình quân từ 7 - 9%), doanh nghiệp tốt vay mức lãi suất từ 4 - 5%.

Theo đó, trên cơ sở các chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng GDP, từ đầu năm tới nay, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng tăng từ 18 - 20%.

Tính đến hết tháng 9, tín dụng đã tăng ở mức 11,74%; trong khi, 9 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 11%. Như vậy, so với cùng kỳ, mức tăng này khả quan hơn.

Do giai đoạn cuối năm tín dụng thường tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, (bình quân như các tháng trong năm trước cũng vào khoảng từ 2% đến trên 2%/tháng), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhiều khả năng cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được chỉ tiêu định hướng 18 - 20%.

Hiền Minh