Ngân hàng Thế giới: Dịch tả lợn châu Phi làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại

(Dân trí) - Đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại kể từ đầu năm có một phần nguyên nhân do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Đó là nhận định trong báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) mới được công bố vào chiều nay (1/7).

Ngân hàng Thế giới: Dịch tả lợn châu Phi làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại - 1

Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) mới được công bố vào chiều nay (1/7).

Theo ông Ousmane Dione là Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, báo cáo này nhận định rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực.

“Tăng trưởng GDP trong năm 2019 được WB dự báo sẽ giảm còn 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Tốc độ này vẫn rất tích cực dù chững lại”, ông Ousmane cho biết.

Theo báo cáo, ngành dịch vụ đạt kết quả tốt, đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, đầu tư, tiêu dùng vẫn tăng rất mạnh. “Nhu cầu tiêu dùng vẫn tương đối vững trên cơ sở lương tăng và lạm phát thấp”, ông Sebastian nói.

Tuy nhiên, tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động dội của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp.

“Dịch tả lợn châu Phi làm tăng trưởng suy giảm, 3 triệu con lợn bị tiêu hủy đầu năm cũng ảnh hưởng giá cả và lạm phát trong nửa năm nay”, ông Sebastian nói.

Ngân hàng Thế giới: Dịch tả lợn châu Phi làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại - 2

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam.

Đồng tình với đó, vào cuối tuần trước, đại diện Tổng cục thống kê cũng đồng tình rằng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có dấu hiệu "hụt hơi", trong khi ngành nông nghiệp khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay do diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Về mặt này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cũng cho rằng ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ vẫn là điểm sáng, nhưng khó đạt tốc độ tăng trưởng cao như năm 2018.

"Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2018 do nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng những điều kiện tạo nên đà tăng trưởng này không còn xuất hiện trong năm nay. Tăng trưởng vẫn duy trì hai con số, song khó kỳ vọng việc duy trì tốc độ tăng cao như trước", ông Lâm cho biết.

Ngoài ra, theo WB, rủi ro tiếp tục gia tăng do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính ngày càng nhiều hơn.

Rủi ro đến từ bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.

“Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực. Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu trong cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định thương mại khu vực và đa phương, đặc biệt là EVFTA vừa được ký kết”, ông Ousmane nói thêm.

Hồng Vân