Ngân hàng suy yếu sẽ cản trở đà hồi phục kinh tế

(Dân trí) - Sự suy yếu trong hệ thống ngân hàng Mỹ đang đe dọa cản trở đà hồi phục kinh tế yếu ớt. Báo cáo hàng quý mới ra gần đây của FDIC đã chỉ ra rằng gốc rễ gây nên tình trạng khó khăn của các ngân hàng năm 2009 vẫn còn đó.

Chủ tịch FDIC Sheila Bair dự tính con số ngân hàng phá sản trong năm 2010 sẽ còn cao hơn kỷ lục 140 vụ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu vì nhiều ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với những khoản lỗ từ cho vay thế chấp do giá bất động sản thương mại lao dốc.

Trên thực tế, các nhân tố đẩy Citigroup và Bank of America đến mép bờ vực phá sản năm ngoái đã được loại trừ nhờ khoản hỗ trợ khổng lồ của chính phủ.

Tuy nhiên một năm sau đó, dù không chịu một áp lực đe dọa phá sản nào, các ngân hàng vẫn đang tỏ ra dè dặt và “bủn xỉn” trong việc cung cấp tín dụng - nhân tố thiết yếu để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo FDIC, bảng cân  đối của các ngân hàng đã sụt giảm với tốc độ kỷ lục trong quý IV năm 2009 do số cho vay ra liên tục giảm trong 6 quý liên tiếp.

Cho đến đầu năm nay, những tin xấu vẫn tới tấp xuất hiện. Theo số liệu của Cục dự trữ liên bang, năm 2010 giá trị các khoản cho vay thương mại đã giảm 134 tỷ USD, trong khi tín dụng tiêu dùng giảm 7% so với tháng 2 năm ngoái.

Vì vậy, ngay cả khi các quan chức của Fed tràn ngập hy vọng khi phát biểu về nỗ lực bình ổn thị trường tài chính và thúc đẩy nền kinh tế thì các chuyên gia tín dụng vẫn cho rằng còn quá ít tín hiệu tích cực.

Kinh tế gia trưởng của Gluskin Sheff - ông David Rosenberg đã nhận xét trong một bức thư gửi tới khách hàng gần đây: “Tình trạng của chúng ta hiện giờ giống với Nhật Bản hơn nhiều so với trong tưởng tượng của mọi người: cố gắng duy trì tăng trưởng trong khi tín dụng ngân hàng ngày càng giảm”.

Khoảng thời gian các ngân hàng hạn chế cho vay lại đúng vào lúc các nguồn tín dụng khác dành cho tiêu dùng và kinh doanh giảm sút.  Tổng giá trị trái phiếu được bảo đảm bằng nguồn thu từ thẻ tín dụng, cho vay mua xe và các tài sản khác đã rơi xuống 421 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 so với đỉnh cao 1.220 tỷ USD năm 2007.

Hoạt động cho vay tiêu dùng truyền thống cũng ngày càng ít hơn. Theo số liệu của Fed, tín dụng tiêu dùng quay vòng của các ngân hàng, trong đó bao gồm cả thẻ tín dụng, đã giảm 24% so với năm ngoái.

Nhưng các chuyên gia cho rằng còn có một nguy cơ lớn hơn nữa đang tiềm ẩn, đó là việc các ngân hàng giảm số vốn được vay của các khoản tín dụng chưa hoàn trả - một hành động nhằm hạn chế rủi ro.

Nhà phân tích Meredith Whitney ước tính hạn mức tín dụng dành cho tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị cắt giảm hơn 2.000 tỷ USD vào cuối năm nay. Đó là một trở ngại đáng kể đối với các doanh nhiệp nhỏ - bộ phận đóng vai trò quan trọng tạo ra phần lớn việc làm cho nền kinh tế.

Sự yếu kém của hệ thống ngân hàng cũng sẽ gây khó khăn cho Fed khi tiến hành kế hoạch thu hồi các khoản hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.

Gần đây, chủ  tịch Fed Ben Bernanke đã gây ngạc nhiên cho thị trường bằng việc tăng lãi suất qua đêm. Tuy nhiên, những số liệu ảm đạm về tình hình thu hồi nhà cũng như tăng trưởng việc làm chậm chạp cho thấy Fed không đủ can đảm để thực thi “chiến lược thoái lui” của mình trong thời gian tới.

“Chính phủ đang làm những gì có thể nhằm tạo ra nguồn tín dụng thay cho khu vực tư nhân cho đến khi họ tự đứng vững trở lại” - giám đốc điều hành hãng luật McKenna Long & Aldridge, ông Brian Olasov nói.

Tuy nhiên, nếu yêu cầu Fed nhanh chóng thu lại hỗ trợ kinh tế  thì có thể xuất hiện nguy hiểm thực sự, bởi các nhu cầu tín dụng không được đáp ứng sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong khu vực tài chính tư nhân.

Hoàng Sơn
Theo Fortune