Ngân hàng Quân đội: Lãi đột biến, đạt 1.918 tỷ đồng
Nhờ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối… tăng trưởng cao và đặc biệt sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty thành viên, nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2018 của MB đạt hơn 1.918 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi đột biến hơn 1.918 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018 với hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng ấn tượng.
Tính đến ngày 31/3/2018, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng MB tăng thêm 2.500 tỷ đồng lên 316.345 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng trưởng 3,1% lên hơn 227 nghìn tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng hơn 5% lên hơn 191 nghìn tỷ đồng. Nếu tính thêm các khoản cho vay margin chứng khoán và ứng trước của khách hàng tại MBS thì dư nợ cho vay lên 193.745 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần quý 1/2018 tăng trưởng 36,8% đạt hơn 3.293 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng MB đạt lãi thuần hơn 3.010 tỷ đồng, tăng trưởng 29,6%.
Thuyết minh BCTC hợp nhất cho thấy, ngoài thu nhập từ ngân hàng mẹ thì các công ty thành viên đóng góp đáng kể cho doanh thu hợp nhất, như: Công ty chứng khoán MBS đem về thu nhập 135 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm đem về 477 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 37%...
Trong 3 tháng đầu năm, lãi thuần của MB ở các mảng hoạt động tăng trưởng khả quan, như hoạt động dịch vụ đem về 315 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 36%; hoạt động ngoại hối đạt hơn 75,6 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn, đầu tư dài hạn… ghi nhận tăng trưởng đột biến lên tới 275,8 tỷ đồng, trong khi quý 1/2017 chỉ đạt 82,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, mảng kinh doanh khác cũng đem về 264 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 83,3% so với quý 1 năm trước.
Trong quý 1/2018, chi phí hoạt động của ngân hàng đã tăng thêm 34% lên mức 1.622,8 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro đạt hơn 2.610 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Song, do trích lập 692 tỷ đồng chi phí dự phòng, nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MBB đạt 1.918 tỷ đồng, tăng trưởng 73% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế đạt gần 1.459 tỷ đồng. Riêng ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.746 tỷ đồng, tăng trưởng 65% và lãi sau thuế đạt 1.396 tỷ đồng. Còn các công ty thành viên của MBB đóng góp khoảng 172 tỷ đồng lợi nhuận, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong quý 1 MBB đã hoàn thành 28% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của năm 2018 với tham vọng đạt mốc 6.800 tỷ đồng (riêng ngân hàng mẹ lãi 6.500 tỷ đồng). Con số 1.918 tỷ đồng là mức lợi nhuận hợp nhất kỷ lục mà MB đạt được trong vòng 5 năm gần đây, và đưa ngân hàng tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng TMCP có lợi nhuận nghìn tỷ trên sàn chứng khoán.
Sức bật từ mảng tín dụng tiêu dùng
Đại hội cổ đông thường niên 2018 vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2018 với chỉ tiêu tăng trưởng khá cao, cụ thể: huy động vốn tăng 11%, dư nợ cho vay tăng 15% (theo quy định của NHNN), nhờ đó biên lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao. Mục tiêu phấn đấu đưa lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 47%, đạt mốc 6.800 tỷ đồng và chia cổ tức ở mức trên 11%...
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 và định hướng kinh doanh năm 2018 thì việc ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh năm nay là điều có thể dự báo.
Một lợi thế của MB là ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai mảng tín dụng tiêu dùng thông qua công ty con MB Shinsei (tên mới của MCredit). Với năng lực tài chính mạnh, uy tín và kinh nghiệm của ngân hàng mẹ cùng sự hỗ trợ đắc lực của cổ đông chiến lược Shinsei, MB Shinsei được kỳ vọng sẽ có tạo động lực thúc đẩy mảng tín dụng tiêu dùng cho MB trong thời gian tới. Năm 2018, MB Shinsei đặt mục tiêu tăng tổng dư nợ lên 5.900 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước. Lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, nâng hệ thống mạng lưới lên 752 điểm giới thiệu dịch vụ phủ sóng trên 50 tỉnh thành.
So với các ngân hàng TMCP cùng quy mô, MB hiện có chất lượng tín dụng tốt hơn với tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp. Đến hết quý 1/2018, BCTC hợp nhất ghi nhận tỷ lệ nợ xấu là 1,4%, tương ứng 2.730 tỷ đồng dư nợ xấu, tăng so với mức 1,2% (tương ứng 2.218 tỷ đồng nợ xấu) hồi đầu năm nay. Trong kỳ, số thu từ các khoản nợ đã xử lý được thu hồi đạt 153 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017 ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, trong đó đã trích lập đủ 100% giá trị trái phiếu đặc biệt của VAMC. Và năm nay khi ngân hàng kéo giảm chi phí trích dự phòng rủi ro thì lợi nhuận sẽ được cải thiện tốt hơn.
Năm 2018, ngân hàng MB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 19% lên mức 21.600 tỷ đồng để phục vụ đầu tư trụ sở, công nghệ, bổ sung vốn kinh doanh. Theo đó, MB dự kiến phát hành 90,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 cho năm 2017 với tỷ lệ 5% và phát hành 254 triệu cổ phiếu tăng vốn từ các nguồn vốn chủ sở hữu phù hợp quy định. Hiện, vốn chủ sở hữu của MB đã tăng lên mức 31.029 tỷ đồng, trong đó, có hơn 6.311 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, 4.162 tỷ đồng số dư quỹ của TCTD cùng thặng dư vốn cổ phần 828 tỷ đồng…
Với quy mô vốn lớn hơn, MB sẽ đảm bảo các nguồn lực tài chính để triển khai chiến lược kinh doanh giai đoạn 2017-2021 đã đề ra, thúc đẩy nhanh 4 chuyển dịch chiến lược xây dựng ngân hàng số; củng cố quan hệ khách hàng; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản lý hiệu quả hoạt động các công ty thành viên.
Phương Anh