1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng Nhà nước tiết lộ nguồn vốn vào bất động sản, chứng khoán

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Tín dụng vào chứng khoán bất ngờ giảm 1%, vào bất động sản tăng 3%, Ngân hàng Nhà nước khẳng định dư nợ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát, theo dõi sát sao.

Trao đổi với báo giới, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết thời gian qua ngành ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản. Trong 3 năm qua, tín dụng cho bất động sản có tín hiệu giảm dần. Đặc biệt, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng vào bất động sản chỉ tăng 11,89%, thấp hơn so với mức 26-28% của năm 2018-2019. 

Đến 3 tháng đầu năm 2021, tín dụng bất động sản tăng 3% tương đương với mức tăng tín dụng nói chung còn so với cuối tháng năm 2020 có tăng cao hơn do tác động của dịch Covid-19. Dù thế, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng của tín dụng bất động sản không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn so với những năm trước. Chẳng hạn, trong năm 2019, đến hết tháng 3, tín dụng bất động sản tăng 5,13%.

Ngân hàng Nhà nước tiết lộ nguồn vốn vào bất động sản, chứng khoán - 1

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

"Điều đó cho thấy tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào phân khúc đầu tư của dự án cao cấp. Việc kiểm soát dòng tiền vào bất động sản đã được NHNN quản lý chặt chẽ và thường xuyên đưa ra cảnh báo", ông Tú nhấn mạnh.

Thông tin tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - khẳng định, dư nợ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát, theo dõi sát sao.

Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng năm 2021, tín dụng tăng khoảng 12%, ưu tiên tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, và hạn chế các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước tiết lộ nguồn vốn vào bất động sản, chứng khoán - 2

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Tính đến đến cuối quý I/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 2,93% đã góp phần vào việc tăng trưởng GDP tăng 4,48%.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 1/2021 đạt 0,76%, sang tháng 2 giảm nhẹ xuống 0,66% do dịch Covid-19 bùng phát, đến tháng 3 cầu tín dụng đã tăng trở lại lên 2,93%, cao hơn so với cùng kỳ (chỉ 1,3%).

Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thủy sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%...

Tín dụng BOT, BT giao thông khoảng trên 108.000 tỷ đồng, giảm 0,15%. Tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%

Đối với các lĩnh vực chứng khoán, ông Tuấn Anh cho biết, tín dụng lĩnh vực chứng khoán tháng 11, 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1/2021 đã giảm 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại.

Cụ thể, tính đến cuối quý I/2021, tín dụng chảy vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020.

Đối với lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng vào bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%, cao hơn mức tăng tín dụng bình quân các ngành kinh tế.

Đại diện Vụ Tín dụng nhấn mạnh, với việc một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và trên thế giới thời gian qua có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nhận diện và có biện pháp phòng ngừa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm