Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc cắt giảm lãi suất điều hành?
(Dân trí) - "Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng", ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trước quyết định cắt giảm lãi suất điều hành.
Kể từ hôm nay 16/9, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất chào mua giấy từ có giá, đồng loạt được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, về cơ bản, đợt điều chỉnh này sẽ không có tác động đáng kể lên lạm phát vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền đã được đặt ra ngay từ đầu năm.
Kể từ hôm nay 16/9, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất chào mua giấy từ có giá, đồng loạt được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25%.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trả lời câu hỏi: Giải pháp điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có phải là hệ quả của việc nhiều ngân hàng trung ương các nước đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã và đang cắt giảm lãi suất hay không?, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết:
Giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giảm lãi suất điều hành.
Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu (bình quân 8 tháng 2019, lạm phát CPI tăng 2,57%, lạm phát cơ bản tăng 1,9%), thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
"Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng", ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Về tín dụng, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%; Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
An Hạ