Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay bất động sản

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa đổi Thông tư 36, điều chỉnh hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo hướng tăng lên từ 150% lên 200% kể từ 1/1/2017 (thay cho mức dự kiến lên 250%); còn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016…

Ngay sau khi Chỉ thị 04 được ký ban hành, chiều 27/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành hai văn bản; trong đó có nội dung sửa đổi Thông tư 36 vốn gây tranh cãi thời gian qua.

Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%, và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thông tư 06 được xây dựng trên cơ sở rà soát tổng thể các quy định tại Thông tư 36 và các quy định liên quan của pháp luật, đăng tải trên website của NHNN để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đối tượng chịu tác động của thông tư, tham khảo ý kiến của các Bộ ngành và các hiệp hội có liên quan.


Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay bất động sản

Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay bất động sản

Ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung về hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản, NHNN còn bổ sung cách xác định và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với lộ trình phù hợp để kiểm soát rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những biến động tiêu cực trong nước và ngoài nước.

Lộ trình cụ thể như sau: Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Một điểm sửa đổi khác của thông tư trên là tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.

Thông tư sửa đổi được NHNN ban hành là trên cơ sở trong những tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô xuất hiện những khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; tình hình hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp; sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm phấn đấu giữ vững mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, trong đó tăng trưởng kinh tế năm 2016 ở mức 6,7%.

An Hạ

Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay bất động sản - 2