Ngân hàng nâng giá gom USD sát trần, mua ngoại tệ sẽ khó?
Nhiều ngân hàng lớn đồng loạt đẩy giá USD mua vào sát trần biên độ. Trên liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh.
Chiều nay (23/8), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có điều chỉnh tỷ giá USD/VND trên biểu niêm yết. Giá USD mua vào đã tăng một bước 20 VND, từ 20.800 lên 20.820 VND.
Mức mua vào nói trên chỉ cách trần theo biên độ cho phép là 4 VND. Mức kịch trần 20.824 VND giá bán ra cũng được các ngân hàng thương mại duy trì từ đầu tháng 8 đến nay.
Một điểm đáng chú ý là mức mua vào lên tới 20.820 VND đó cũng được Vietcombank áp cho cả giá mua USD tiền mặt, trong khi tại nhiều ngân hàng lớn khác chỉ áp cho mua chuyển khoản. Tại một số ngân hàng lớn khác, đó cũng là mức mua vào đối với loại mệnh giá lẻ (dưới cả 5 USD), thay vì thấp hơn nhiều trong thời gian trước.
Trong thông tin công bố sáng nay (23/8), Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai các biện pháp cần thiết để “đưa tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường liên ngân hàng về dưới mức trần tỷ giá cho phép”; “cũng như điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng”.
Nhưng thực tế, trong gần hai tháng qua, tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới chỉ duy nhất 1 lần “linh hoạt”, tăng từ 20.608 VND lên 20.618 VND và tiếp tục đứng yên những ngày qua.
Và trên thị trường liên ngân hàng, theo cập nhật của một số tổ chức đầu tư, giá USD được giao dịch cuối tuần qua ở mức 20.855 VND; còn trong ngày hôm nay (23/8) ghi nhận những mức 20.885 - 20.890 VND, tức là vượt xa trần.
Những diễn biến trên là đáng chú ý, khi đặt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra những thông điệp tự tin và mạnh mẽ về khả năng bình ổn tỷ giá USD/VND và thị trường ngoại hối nói chung trong thời gian tới.
Tại buổi giao ban báo chí ở Bộ Thông tin và Truyền thông sáng nay (23/8), Ngân hàng Nhà nước cho biết dự trữ ngoại hối từ cuối tháng 4 đến nay đã tăng mạnh (đã mua vào khoảng 6 tỷ USD). Và Ngân hàng Nhà nước “dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống”.
Đó là sự khẳng định cần thiết, đặc biệt là với tâm lý thị trường, dù “mọi tình huống” có lẽ nên hiểu chỉ là tương đối.
Còn với các nhu cầu mua ngoại tệ, với thực tế diễn biến nói trên, có lý do để lo lắng khi giá mua USD đang tiến sát giá trần như vậy. Bởi điều đó phản ánh cầu ngoại tệ của chính các nhà băng cũng đang cao, họ cần có chênh lệch đáng kể để có lãi khi bán lại cho khách hàng, trong khi đó chênh lệch mua vào - bán ra đã rất sát.
Trong thời gian tới, nếu trạng thái giá mua vào - bán ra tiếp tục bám đuổi căng thẳng, thậm chí giá mua san bằng giá bán như từng có tại nhiều thời điểm trước đây, việc mua ngoại tệ tại ngân hàng theo đúng giá quy định có thể khó khăn và không loại trừ lại nảy sinh tình trạng "cơ chế hai giá".