Ngân hàng lãi lớn

(Dân trí) - Vietcombank, BIDV, VietinBank... đã công bố lợi nhuận năm 2016 với các mức lãi hàng nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi nhuận có thể lớn hơn nếu các ngân hàng không "giấu lãi" vào các khoản trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu.

Lãi "khủng"

Hôm qua 9/10, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Năm 2016, VietinBank đạt lợi nhuận 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, hoàn thành 104% kế hoạch đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Trước đó, dữ liệu do Vietcombank công bố tại cuộc họp cho thấy, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế trước dự phòng 14.605 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ (tương đương 102,7% kế hoạch năm 2016).

Tại BIDV, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 7.507 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Cùng với đó, tổng tài sản đến cuối năm 2016 của BIDV đã lên đến 1,007 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2015. Như vậy cho đến thời điểm này, BIDV là ngân hàng đầu tiên đạt tổng tài sản ở mốc 1 triệu tỷ đồng.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, hiện mới chỉ có 3 ngân hàng công bố lợi nhuận nhưng kết quả cũng rất khả quan. Kết thúc năm tài chính 2016, lợi nhuận trước thuế của TPBank vượt kế hoạch, đạt mức 707 tỷ đồng, tăng 12,93% so với 2015. Với mức lợi nhuận trước thuế này, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng đạt 12%, là mức khá hiệu quả so với bình quân toàn ngành hiện nay.

Tương tự, tại VIB, lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 702 tỷ, đạt 104% so với kế hoạch do ĐHĐCĐ giao từ đầu năm, cao hơn 7% so với năm 2015.

Hay như tại NCB, tổng tài sản của ngân hàng đạt 65,243 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cấu trúc. Còn lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng đạt 230 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với trước khi tái cấu trúc.


Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi nhuận có thể lớn hơn nếu các ngân hàng không giấu lãi vào các khoản trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi nhuận có thể lớn hơn nếu các ngân hàng không "giấu lãi" vào các khoản trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu (ảnh minh họa).

Dù các ngân hàng trong hệ thống chưa công bố hết lợi nhuận, nhưng nhìn vào kết quả của các ngân hàng trên có thể thấy một mức lãi lớn đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng trong năm 2016. Nhìn vào số liệu có thể thấy, nếu các ngân hàng không tăng trích lập dự phòng rủi ro, số lãi còn lớn hơn nhiều.

Đặc biệt trong năm 2016, các ngân hàng tập trung nguồn lực nhiều cho vấn đề xử lý nợ xấu. Điển hình như tại VietinBank, theo như công bố của Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng, thành công lớn nhất của ngân hàng là xử lý triệt để gần 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn 2007 - 2010 bằng năng lực tài chính, thu nợ, bán nợ. Cùng với đó là kiểm soát nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng nợ.

Theo đó, năm 2017, VietinBank sẽ tập trung xử lý nợ xấu và mua lại nợ bán cho VAMC trong năm 2017 bằng nguồn lực của ngân hàng.

Hoặc như tại Vietcombank, trong năm 2016, đây là ngân hàng tiên phong thu hồi các khoản nợ từ VAMC, chính thức đưa nợ xấu về một sổ. Đến 31/12/2016, dư nợ nhóm 2 tại Vietcombank là 7.422 tỷ đồng, giảm 2.033 tỷ đồng so với cuối 2015; Dư nợ xấu nội bảng là 6.787 tỷ đồng, giảm 309 tỷ đồng so với 2015 (giảm khoảng 4,4%); Tỷ lệ nợ xấu 1,44% (giảm 0,4% so với cuối 2015).

Lãi lớn do đâu?

Có thể dễ dàng nhận thấy, lợi nhuận của các ngân hàng có được phần nhiều do hoạt động cho vay vốn đối với nền kinh tế, bên cạnh việc gia tăng các tiện ích cho khách hàng.

Tại Vietcombank, với chủ trương đưa nguồn vốn rẻ vào nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng năm 2016 của ngân hàng đạt mức khá cao (18,9%), với sự dịch chuyển cơ cấu tín dụng. Trong đó, tín dụng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng thể nhân tăng rất mạnh (tương ứng tăng 39% và 38,8%). Sự dịch chuyển này, đặc biệt ở khối khách hàng thể nhân, mang mang lại tỷ lệ lãi biên cao hơn, cũng như kích thích thêm phát triển dịch vụ.

Để có nguồn vốn cho vay rẻ, Vietcombank cũng là ngân hàng thương mại áp lãi suất thấp nhất thị trường. Theo đánh giá, nguồn vốn rẻ và chi phí vốn đầu vào thấp giúp cạnh tranh thu hút khách hàng tốt, chất lượng tín dụng theo đó tốt hơn. Tính trong năm qua, huy động vốn không kỳ hạn của ngân hàng đã tăng 13,9%, chiếm tỷ trọng 28% tổng nguồn vốn.

Là ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất hệ thống, xét đến thời điểm hiện nay, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, cơ cấu lợi nhuận đã giảm bớt lệ thuộc vào lãi, hoạt động và thu từ dịch vụ đã được đẩy cao hơn. Lần đầu tiên tỷ trọng thu ngoài lãi, từ dịch vụ của VietinBank đã đạt mốc 20%.

Cũng trong năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng 22,4%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống.

Tại TPBank, danh mục tài sản có sinh lời của ngân hàng có sự cải thiện đáng kể, cả về cơ cấu và chất lượng tài sản, trong đó tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt, tập trung hướng đến các đối tượng khách hàng bền vững, cốt lõi, đặc biệt là các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ vậy, dư nợ cho vay thị trường 1 đến cuối kỳ tăng trưởng khá, đạt mức 47 nghìn tỷ đồng, chưa kể các hoạt động đầu tư, kinh doanh khác cũng góp phần mang lại hiệu quả kinh doanh tốt cho ngân hàng...

An Hạ